Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
9,294,855
Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh
( Cập nhật:9/7/2019 10:26:40)

Sáng ngày 09/7, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Hải Dương khoá XVI, đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trang Thông tin điện tử MTTQ tỉnh xin giới thiệu toàn văn bản báo cáo.

 

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh (ảnh Báo Hải Dương)

Thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), lãnh đạo Uỷ ban nhân dân (UBND) và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Chương trình công tác năm 2019 của Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo tổng hợp tình hình tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong tỉnh 6 tháng đầu năm 2019 tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI, cụ thể như sau: 

I. VỀ TÌNH HÌNH TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CHUNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Tình hình tư tưởng của cử tri và nhân dân nhìn chung ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, đường lối đổi mới, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển nhanh, vững chắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, nhất là đối với các gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi những diễn biến của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - Vesak 2019 tổ chức tại chùa Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, đã để lại nhiều tình cảm thân thiện, hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè Quốc tế.

Cử tri và nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và đánh giá cao việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ"; Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quan tâm, theo dõi và đồng tình cao việc xử lý kỷ luật của Đảng đối với một số cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật Đảng và các vụ án tham nhũng lớn gây hậu quả nghiêm trọng; các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước được tăng cường, nhiều hiệp định thương mại được ký kết, mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam, góp phần tích cực vào giữ gìn hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Cử tri và nhân dân phản ánh về công tác quản lý mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, thổi phồng những mặt tiêu cực, mặt trái của cuộc sống, kích động, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo... nhằm gây ra bất an trong dư luận, làm ảnh hưởng xấu tới lối sống của thanh, thiếu niên và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt thời gian vừa qua tình trạng sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bị nhiều kẻ xấu lợi dụng tung tin xấu. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh và các sở ngành có liên quan có giải pháp tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

Cử tri và nhân dân phấn khởi về những kết quả của ngành nông nghiệp trong chuyển đổi cơ cấu ngành, nông nghiệp công nghệ cao được phát triển, chất lượng một số mặt hàng nông sản được nâng cao, thị trường xuất khẩu chính ngạch mở rộng. Tuy nhiên, việc chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định do dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 12 huyện, thành phố thuộc 251 xã, ở 14.394 hộ chăn nuôi làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của nông dân; việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu do tư thương thực hiện, do đó người nông dân chịu thiệt thòi nhất trong phân chia thu nhập của chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; lo lắng, bức xúc về việc sử dụng hóa chất độc hại trong chăm sóc, bảo quản, chế biến thực phẩm dễ xảy ra ngộ độc và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Cử tri và nhân dân còn băn khoăn lo lắng về tình trạng hàng giả, kém chất lượng đưa về nông thôn; việc quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa chặt chẽ; vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y giả, kém chất lượng vẫn còn xuất hiện, chưa được ngăn chặn kịp thời; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; các dịch vụ y tế, giáo dục tăng cao; một bộ phận nông dân không thiết tha với đồng ruộng.

Đa số cử tri và nhân dân quan tâm đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định, tác động tiêu cực của thông tin mạng, tệ nạn ma túy, mại dâm, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, giết người, tình trạng bạo lực học đường, nạn dâm ô với trẻ em, tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện có sử dụng chất ma túy, rượu, bia; việc phòng chống cháy còn hạn chế; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua đã có nhiều quan tâm chấn chỉnh, nâng cao đạo đức, tác phong và phương pháp làm việc cho đội ngũ những người làm công tác giáo dục, giảm áp lực cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, một số quy định của ngành giáo dục và chính quyền địa phương vẫn còn bất cập, tâm lý “chạy theo thành tích”, hoạt động "dạy thêm, học thêm" vẫn tồn tại; việc thực hiện giảm tải chương trình chưa mang lại hiệu quả thiết thực như mong muốn; các trường tiểu học và trung học cơ sở chương trình học vẫn còn nặng khiến học sinh quá tải, không còn thời gian rèn luyện thể thao và hoạt động vui chơi giải trí. Cử tri và nhân dân mong muốn các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định về việc dạy thêm, học thêm, nhất là trong dịp hè; khuyến khích học sinh tham gia các lớp năng khiếu, các hoạt động văn hóa văn nghệ và tích cực tham gia các hoạt động thể chất ở cộng đồng dân cư; động viên giáo viên tham gia công tác hướng dẫn sinh hoạt hè trên địa bàn các khu dân cư;

Cử tri và nhân dân rất phấn khởi và đồng tình với việc các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường. Chỉ đạo xử lý nghiêm việc vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất 03, vi phạm hành lang lưới điện, giao thông thủy lợi. Vì vậy, tình trạng vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất 03 đã giảm rõ rệt... Cử tri và nhân dân mong rằng các cấp, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm chỉ đạo và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Cử tri và nhân dân phản ánh về nhiều dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng nhiều năm không được triển khai, bỏ đất hoang hóa; việc thu hồi đất để triển khai, thực hiện các dự án xây dựng khu xử lý rác thải còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, do nhân dân tại những khu vực này chưa đồng tình hoặc công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân chưa đạt kết quả. Cụ thể việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng: Hiện nay, hàng ngày vẫn có nhiều người dân tập trung lên trụ sở UBND xã gây áp lực với lãnh đạo xã; căng băng zôn, biểu ngữ, bật loa đài, mua bán rau, quả, ăn uống tại chỗ (chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ nhỏ), làm ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của xã, ảnh hưởng đến việc dạy, học của giáo viên và học sinh (có 4 phòng học đang học nhờ tại trụ sở UBND xã). Buổi tối, có nhiều người dân tập trung đến cổng nhà một số đồng chí lãnh đạo xã gõ kẻng, mở nhạc đám hiếu gây áp lực với cán bộ đương chức của xã. Cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, định hướng dư luận tạo đồng thuận trong nhân dân; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ và có kết luận xử lý các đối tượng quá khích cầm đầu kích động khiếu kiện, tụ tập đông người; yêu cầu nhà đầu tư công khai cam kết với người dân về công nghệ đốt rác, phát điện không gây ô nhiễm môi trường thứ cấp và việc đảm bảo ưu tiên việc làm, hỗ trợ các vấn đề an sinh xã hội đối với người dân bàn giao đất cho dự án.

Cử tri, nhân dân cơ bản đồng tình với chủ trương chia tách, sáp nhập thôn, khu dân cư theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy. Tuy nhiên một số ý kiến cử tri và nhân dân kiến nghị cần quan tâm đảm bảo chế độ, chính sách cho những người hoạt động không chuyên trách thôi tham gia công tác sau khi sáp nhập; tâm lý cán bộ thuộc diện dôi dư do sắp xếp phần nào bị ảnh hưởng... Việc bổ sung điều chỉnh hương ước, quy ước các thôn sau sáp nhập cũng hết sức cần thiết vì trước đó các thôn cũ đều có quy ước, hương ước riêng, sau sáp nhập cần phải có quy ước, hương ước mới cho phù hợp. Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch các thủ tục hành chính, các ngành chức năng cần có hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư các thôn mới thành lập trong việc làm hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác liên quan đến thủ tục hành chính.

Cử tri và nhân dân còn băn khoăn về việc vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự, hoạt động trái phép của một số chức sắc, nhà tu hành vẫn diễn ra. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống có tiến bộ, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội, việc cưới, việc tang ở một số nơi còn lãng phí; việc niêm yết giá dịch vụ tại nhiều lễ hội chưa được kiểm soát; việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng như “dâng sao giải hạn” dịp đầu năm vẫn diễn ra ở một số chùa trên địa bàn tỉnh.

II. NHỮNG Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

Qua nắm bắt tình hình tư tưởng, ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh tổng hợp và chuyển đến kỳ họp một số vấn đề sau:

1. Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

- Cử tri các huyện, thành phố rất phấn khởi được Chính phủ hỗ trợ thiệt hại dịch tả lợn Châu Phi. Để phục hồi ngành chăn nuôi, cử tri các các địa phương đề nghị tỉnh có biện pháp đồng bộ dập dịch, xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh đảm bảo quy trình, an toàn vệ sinh môi trường, sớm hỗ trợ thiệt hại dịch, tạo điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi vay vốn đầu tư tái đàn, đồng thời chỉ đạo các địa phương phát triển đàn gia cầm và các ngành chăn nuôi khác phục vụ nhu cầu của người dân.

- Cử tri các huyện, thành phố đề nghị tỉnh nghị tiếp tục quan tâm đến phát triển nông nghiệp, hỗ trợ giống vốn, phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, mở rộng thị trường; có giải pháp mạnh tích tụ ruộng đất, gắn với bao tiêu sản phẩm, nhất là quy hoạch sản phẩm nông nghiệp để tránh được mùa, mất giá; đề nghị UNND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý nhà nước đối với đơn vị, các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiếp tục hỗ trợ thuốc diệt chuột; đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh hỗ trợ thêm tiền cấp bù thủy lợi phí do giá điện tăng cao gây khó khăn trong việc điều hành của HTX dịch vụ nông nghiệp; cử tri huyện Kinh Môn đề nghị tỉnh tăng cường quảng bá, bảo vệ thương hiệu Cam xã Thất Hùng; cử tri huyện, Ninh Giang, Tứ Kỳ phản ánh một bộ phận nhân dân không gắn bó với đồng ruộng, đề nghị tỉnh có giải pháp khắc phục kịp thời. 

- Cử tri các huyện, thành phố đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, hỗ trợ kinh phí xây dựng Nông thôn mới (NTM) nâng cao; cử tri xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn phản ánh cống Đầu Trâu xuống cấp từ lâu, không đáp ứng được việc điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương, đề nghị tỉnh nâng cấp, tu sửa; đề nghị tỉnh kiến nghị với Chính phủ giảm giá điện.

2. Về thực hiện các chế độ, chính sách xã hội

- Cử tri huyện các huyện, thành phố phản ánh và đề nghị tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong nhân dân thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, đầu tư kinh phí xây nhà văn hóa thôn, khu dân cư; làm đường giao thông, xây trụ sở làm việc của một số đơn vị để đáp ứng được quy mô dân số, quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đôi với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở sau khi sáp nhập.

- Cử tri huyện Thanh Hà đề nghị tỉnh sớm công bố quy hoạch việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã về thành phố Hải Dương, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân các xã phải sáp nhập về thành phố Hải Dương nắm được để thực hiện.

- Cử tri các huyện Tứ Kỳ, Gia lộc, Thanh Miện, Thanh Hà phản ánh chưa nhận được tiền hỗ trợ xây nhà cho người có công giai đoạn 2, mặc dù đã được xét duyệt từ năm 2013, 2014, một số người đã chết, một số chủ động vay mượn để sửa chữa, xây nhà, đề nghị tỉnh kiến nghị Trung ương sớm thực hiện.

- Cử tri các huyện, thành phố tiếp tục đề nghị tỉnh nâng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ chức đoàn thể; quan tâm chế đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở, cán bộ ở thôn, khu dân cư; cử tri huyện Thanh Hà, Gia Lộc đề nghị tỉnh sớm triển khai thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

- Cử tri các huyện, thành phố và Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh tiếp tục đề nghị tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ, hạ thấp độ tuổi được hưởng chế độ của người cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.

- Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đề nghị: Theo quy định của Chính phủ, Bộ Y tế (thông tư số 35/2011) người cao tuổi được khám bệnh định kỳ ít nhất 1 lần/năm, nhưng trên địa bàn tỉnh Hải Dương hầu hết chưa thực hiện được vì ngân sách tỉnh chưa bố trí cho tuyến y tế cơ sở thực hiện nội dung này. Đề nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét.

- Cử tri huyện Nam Sách đề nghị tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hạ thấp năm phục vụ quân ngũ đối với quân nhân chuyên nghiệp phục viên được chế độ phụ cấp hàng tháng (Luật quân nhân chuyên nghiệp 2015 quy định đủ 15 năm phục vụ tại ngũ trở lên); tạo điều kiện cho quân nhân chưa đủ giấy tờ hồ sơ để được hưởng chế độ, chính sách theo quy định; nâng mức hỗ trợ thờ cúng cho thân nhân liệt sỹ.

- Cử tri huyện Tứ Kỳ phản ánh trường hợp ông Trịnh Văn Thế, thôn Đại Đình, Ngọc kỳ đã chết 10 tháng nay, những chưa nhận được tiền huân, huy chương, đề nghị các ngành chức năng kiểm tra giải quyết kịp thời; ông Nguyễn Hữu Chín xã Hưng Đạo phản ánh và đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công cho anh trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ năm 1970.

- Cử tri xã Kim Anh, huyện Kim Thành đề nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát và thông báo, niêm yết công khai những người tham gia dân công hỏa tuyến đang đi làm ăn xa nắm được để kê khai hồ sơ hưởng chế độ chính sách theo quy định.

- Cử tri huyện Gia Lộc đề nghị tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đối với người có công thương tật 20%, đối tượng tham gia quân đội thời kỳ chống Mỹ từ 10 - 15 năm được hưởng chế độ hành tháng; cử tri huyện Thanh Hà đề nghị giải quyết khen thưởng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ còn tồn đọng; cử tri huyện Bình Giang đề nghị tỉnh cấp thẻ BHYT đối với người thu gom rác thải ở thôn, khu dân cư.

3. Về tài nguyên, môi trường

- Cử tri thành phố Hải Dương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra việc sử dụng đất công trên địa bàn thành phố, thu hồi quỹ đất sử dụng không hiệu quả để làm các công trình phúc lợi công cộng phục vụ nhân dân.

- Cử tri huyện Kinh Môn, thành phố Hải Dương phản ánh việc triển khai Quyết định 22/2018 của tỉnh còn nhiều vướng mắc, khó khăn; đề nghị tỉnh sớm có quy định cụ thể để các địa phương triển khai việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người dân; cử tri các huyện Gia lộc, Thanh Miện, Bình Giang đề nghị điều chỉnh tỷ lệ hưởng % đấu giá QSDĐ cho cơ sở để tăng nguồn thu phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

- Cử tri huyện Bình Giang phản ánh tình trạng người dân xây trên đất chuyển đổi, ven sông Sặt, đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; cử tri xã Vĩnh Tuy phản ánh nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm, đề nghị tỉnh có giải pháp điều tiết nước sạch vào hệ thống thủy lợi nội đồng để đảm bảo an toàn trong canh tác; đề nghị nâng giá đền bù đất nông nghiệp.

- Cử tri thành phố Chí Linh phản ánh các hộ công nhân mua nhà, đất của Công ty cổ phần Mỏ đất chịu lửa Trúc Thôn, phường Cộng Hòa cách đây trên 20 năm, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, đề nghị đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét giải quyết.

- Cử tri huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện, Gia Lộc, Kinh Môn phản ánh việc áp giá đất dôi dư, xen kẹp như hiện nay là quá cao, đề nghị HĐND tỉnh xem xét vấn đề này đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ đất dôi dư, xen kẹp, tạo nguồn lực cho các địa phương xây dựng NTM nâng cao.

- Cử tri thành phố Hải Dương phản ánh các khu tập thể Công ty Chế tạo Bơm, Nguyễn Ái Quốc, khu tập thể đường sắt phường Nguyễn Trãi xuống cấp nghiêm trọng, chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, đề nghị tỉnh sớm chỉ đạo giải quyết; cử tri huyện Bình Giang, Thanh Hà đề nghị tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nạn khai thác cát trái phép; cử tri huyện Thanh Hà đề nghị tăng cường quản lý đất đai; kiểm tra, xử lý nhà máy gạch Tuylen, xã Phượng Hoàng hoạt động không phép.

Cử tri và nhân dân phản ánh về ô nhiễm nguồn nước gây nhiều bức xúc trong nhân dân như: tuyến kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng, Gia Lộc; trang trại lợn xã Đồng Lạc, Nam Sách xả thẳng xuống sông Đào làm cho cá chết hàng loạt; Công ty TNHH chế biến nông sản Tân Tiến, xã Quang Trung, huyện Kinh Môn xả thải vào nguồn nước, không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, cuộc sống của nhân dân chưa được xử lý triệt để, Công ty hoá chất Đà Nẵng, xã Phạm Mệnh, Công ty cổ phần sản xuất Lông vũ, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn xả khói, mùi, nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; cử tri huyện Bình Giang tiếp tục kiến nghị tỉnh có giải pháp phối hợp liên tỉnh để xử lý nguồn xả thải ra hệ thống sông Sặt nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước; cử tri huyện Tứ kỳ đề nghị tỉnh có giải pháp hạn chế rác thải nhựa.

- Cử tri xã Trùng Khánh, huyện Gia Lộc phản ánh Nhà máy nước Hưng Đạo tại địa phương chất lượng nước không đảm bảo tiêu chuẩn, đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm định, xử lý; cử tri xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ phản ánh hai phía tả, hữu sông Thái Bình cỏ rậm, chuột cư trú, khó phát hiện thẩm thấu dò dỉ mùa mưa lũ, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, vệ sinh và xử lý ngay.

4. Về y tế, văn hóa, giáo dục

- Cử tri huyện Ninh Giang đề nghị tỉnh tổ chức đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng thế của thế hệ trẻ; tập huấn kỹ năng sống cho đoàn viên, thanh niên; cử tri huyện Thanh Hà đề nghị tỉnh có biện pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

- Cử tri huyện Kinh Môn phản ánh tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra ở cấp tiểu học, đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định; đề nghị kiểm tra, xử lý một số hiệu thuốc tân dược hoạt động kinh doanh không có giấy phép tại địa bàn xã thất Hùng, huyện Kinh Môn; cử tri huyện Thanh Miện đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các địa phương xây dựng ao bơi hợp vệ sinh để phục vụ cho các cháu học sinh và nhân dân.

5. Về giao thông, xây dựng

- Cử tri thành phố Hải Dương đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí cho thành phố để thực hiện chỉnh trang đô thị, thực hiện các dịch vụ công ích; mở rộng quảng trường Thống Nhất; đôn đốc chủ đầu tư Khu đô thị sinh thái Hà Hải hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án kè sông Tam Giang.

- Cử tri huyện Kinh Môn, thành phố Hải Dương đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các xã thực hiện đề án thành lập phường để đảm bảo các tiêu chí theo quy định.

- Cử tri huyện Thanh Hà đề nghị tỉnh xây cầu khu Hà Tây sang Tứ Kỳ, Gia Lộc, đầu tư bến đỗ, đón khách du lịch sông Hương; cử tri huyện Nam Sách phản ánh phần đê thuộc xã Nam Hưng xuống cấp, đề nghị tỉnh tu bổ.

- Cử tri huyện Ninh Giang phản ánh đường 396C, đoạn từ xã Đông Xuyên đến ngã ba xã Hoàng Hanh mặt đường nhiều điểm xuống cấp gây mất an toàn giao thông, đề nghị tỉnh nâng cấp, sửa chữa; cử tri huyện Kinh Môn đề nghị đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đường 389, bố trí biển báo hạn chế tốc độ tại điểm Trường THPT Kinh Môn II đến ngã tư Hiệp Thượng, xã Hiệp Sơn; xử lý xe quá khổ, quá tải, bảo đảm an toàn cho học sinh tham gia giao thông trên tuyến đường 389.

- Cử tri huyện Gia lộc đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí xây trường mần non, trường THCS xã Gia Hòa; cử tri huyện Thanh Hà đề nghị nâng cấp cơ sở vật chất Trạm y tế, xây thêm phòng học trường mầm non và trường tiểu học xã Phượng Hoàng; cử tri huyện Cẩm Giàng đề nghị xây dựng thêm phòng học trường mầm non, trường THCS xã Tân Trường; cử tri thành phố Chí Linh đề nghị xây thêm phòng học trường tiểu học phường Cộng Hòa; cử tri huyện Ninh Giang phản ánh Nhà văn hóa thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải đã xây xong từ năm 2018 nhưng chưa được tỉnh hỗ trợ kinh phí; đề nghị hỗ trợ kinh phí và đẩy nhanh tiến độ xây Trường mầm non xã Đông Xuyên.

- Cử tri huyện Kinh Môn kiến nghị ngành điện sớm có phương án di chuyển cột điện khi mở rộng đường, thực hiện xây dựng NTM nâng cao; cử tri thành phố Chí Linh kiến nghị Bộ Giao thông mở rộng tuyến quốc lộ 37 đi qua phường Cộng Hòa vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

6. Về an ninh, trật tự, an toàn xã hội

- Cử tri huyện Thanh Hà đề nghị tỉnh tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; mở rộng các kênh thông tin để người dân phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm; đề nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn, xử lý các đối tượng mua bán sử dụng ma túy; nâng chế tài xử phạt hành chính đối với các đối tượng cờ bạc.

- Cử tri huyện Tứ Kỳ phản ánh vụ việc mất tiền tại đình làng thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ kỳ cách đây 5 năm chưa được giải quyết dứt điểm gây bất bình trong nhân dân, đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng sớm giải quyết kịp thời tạo đoàn kết trong nhân dân địa phương.

- Cử tri huyện Nam Sách đề nghị UBND tỉnh tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác tôn giáo, ngăn chặn tà đạo hoạt động trái phép trên địa bàn; cử tri Thanh Miện, Ninh Giang tiếp tục đề nghị tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hoạt động tín dụng đen; cử tri xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang đề nghị ngăn chặn, xử lý nghiêm nạn bắt mèo, nhằm đảm bảo an ninh trật tự địa phương.

- Cử tri xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng phản ánh tình trạng các nhà hành dịch vụ karaoke hoạt động quá giờ quy định gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, địa phương tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Cử tri huyện Thanh Hà đề nghị việc bố trí lực lượng an ninh chính quy tăng cường về cơ sở cần thực hiện có lộ trình, gắn liền với việc thực hiện chính sách cán bộ địa phương.

Ngoài các ý kiến kiến nghị trên, còn một số ý kiến khác tại các điểm tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh đã được các cơ quan có thẩm quyền và các đại biểu tiếp thu, giải trình trực tiếp tại buổi tiếp xúc và một số nội dung kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên, nên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh không tổng hợp tại báo cáo này.

Trên đây là tổng hợp tình hình tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết các ý kiến, kiến nghị nêu trên theo thẩm quyền và thông báo kết quả giải quyết để Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ nắm được; đề nghị HĐND tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phát huy vai trò của mình tăng cường giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân./.

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Hải Dương giám sát các đại biểu dân cử(26/04/2024)
na Tăng cường kiểm tra, giám sát sau tiếp xúc đối thoại(20/04/2024)
na Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương sẽ tiếp xúc cử tri 6 huyện trong 3 ngày(20/04/2024)
na Họp đoàn giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của đại biểu dân cử(16/04/2024)
na Hải Dương: Tiếp tục đưa phong trào thi đua "Dân vận khéo" thấm sâu và lan tỏa trong đời sống nhân dân(05/04/2024)
Các tin cũ hơn
na Bế mạc Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI(02/07/2019)
na Khai mạc Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI(01/07/2019)
na MTTQ các cấp: Hoạt động giám sát, phản biện ngày càng hiệu quả (01/07/2019)
na Phải hướng đến mục tiêu người dân được thụ hưởng từ sự phát triển (27/06/2019)
na Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Tứ Kỳ(25/06/2019)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín