Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
8,249,725
Đôi điều cảm nhận về đạo hiếu trong ngày lễ Vu Lan
( Cập nhật:3/9/2017 19:47:11)

Ngày lễ Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta nghĩ suy về tình cảm, trách nhiệm của đạo làm con...

 

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng đã ít nhất một lần được nghe những lời ca ngọt ngào ấy từ thủa trong nôi, để rồi lớn lên dù đi đâu, về đâu ta vẫn nhớ mãi những lời hát ru ngọt ngào của mẹ, về lời răn dạy phải ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục và đạo làm con phải hiếu thảo với cha mẹ.

“Công cha nghĩa mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ hai thân”

Trong thời đại ngày nay, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề của nhịp sống hiện đại, thì chữ “Hiếu” vẫn luôn vẹn nguyên ý nghĩa với mỗi con người. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý công ơn đấng sinh thành dưỡng dục. Ngày lễ Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta nghĩ suy về tình cảm, trách nhiệm của đạo làm con.

 

Chùa Linh Sơn Vạn Phúc, thành phố Hải Dương tổ chức lễ Vu Lan

Không biết từ bao giờ, ngày lễ Vu Lan đã trở thành nét văn hóa tâm linh của người dân Việt nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của mỗi con người. Nhưng để hiểu thực sự sao cho đúng với tinh thần của ngày lễ, tránh sự thái quá thì chưa hẳn ai cũng đã hiểu rõ. Việc tìm hiểu nguồn cội của tích này để có văn hóa ứng xử phù hợp là điều chúng ta nên biết.

“Vu Lan” hay “Vu Lan bồn” có nguồn gốc từ chữ phạn Ullambana, dịch sang tiếng Hán ngữ là “Giải đảo huyền”, tức là “gỡ khỏi nạn treo ngược”- theo nghĩa tiếng Việt. Mà hiểu rộng ra là nhờ vào sự thành tâm chú nguyện của Thập phương chư Tăng mà chúng ta có thể cứu được cha mẹ, tổ tiên thoát khỏi cảnh tội đồ, cầu nguyện cho chúng sinh được siêu thoát, khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Theo Phật thoại: Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong số ít đệ tử xuất chúng của Ðức Phật. Ngài có quyền pháp vô biên, nhưng không vì thế mà Ngài quên đi nghĩa vụ của một người con đối với cha mẹ. Một lần, dùng tuệ nhãn quan sát khắp “bốn phương tám hướng” Tôn giả Mục Kiền Liên thấy mẹ mình (là bà Thanh Ðề) đang chịu cảnh tội đồ trong ngục A tỳ, thân thể gầy héo, xanh xao, chỉ còn da bọc xương, khổ đau khôn xiết.

Dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác, sự dối trá từ thuở sinh thời mẹ đã gây nên, nhưng Ngài vẫn không khỏi thương xót. Dùng pháp thuật của mình, Tôn giả Mục Kiền Liên mang cơm dâng lên mẹ. Nhưng, do nghiệp quá lớn nên bát cơm bà Thanh Ðề cầm trên tay bỗng hoá thành than đỏ. Chứng kiến cảnh tượng ấy, Ngài rất đau lòng, về bạch lại với Phật, mong Ðức Phật cứu vớt để linh hồn mẹ mình được siêu thoát.

Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa của Tôn giả Mục Kiền Liên, Ðức Phật đã chỉ cách để Ngài có thể cứu vớt được mẹ ra khỏi cảnh đoạ đầy. Ðức Phật nói: “Ông tuy quyền phép vô biên, lại hiếu thảo hơn người, tấm lòng của ông làm cảm động cả trời đất nhưng tội ác của mẹ ông quá nặng, một mình ông không thể cứu được mẹ. Ðến ngày rằm tháng bẩy, Chư Phật hoan hỉ, Chư Tăng tự tứ, hãy sửa soạn lễ vật cúng Dàng, thành tâm thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được”.

Theo lời Phật dạy, nhằm ngày Rằm tháng Bảy, Tôn giả Mục Kiền Liên lập bồn Vu Lan (chậu đựng đồ lễ cúng Dàng), thỉnh mời Chư Tăng đến chú nguyện. Nhờ đó bà Thanh Ðề mới được siêu thoát. Các vong linh khác cũng nhờ phúc lành của Chư Tăng mà được siêu thoát.

Từ tích đó, noi gương hiếu đễ của Tôn giả Mục Kiền Liên, hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng bảy các tín đồ, Phật tử khắp nơi lại tưng bừng tổ chức ngày lễ Vu Lan với tín tâm cầu cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình sẽ được thoát khỏi tội đồ. Như vậy, tinh thần cốt lõi nhất trong ngày lễ Vu Lan, đó chính là chữ Hiếu.

Đối với đạo Phật, thực hành hiếu thảo là con đường của người Phật tử. Không hiếu thảo với cha mẹ thì không thể gọi là một người Phật tử chân chính. Với họ: “Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu”. Vì vậy, báo hiếu là bản chất của người phật tử và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Phật tử Việt Nam nói riêng, người Á Đông nói chung.

Quan niệm về Hiếu đạo còn được thể hiện rõ nét qua hai cuốn kinh phổ biến là Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ, mà không Phật tử nào không biết, đó là kinh thường được các Phật tử đọc tụng vào dịp tháng Bảy, Lễ Vu Lan.

Trong Kinh báo ân đó Đức Phật dạy ân đức cha mẹ có những điều như: Ân giữ gìn mang thai trong 9 tháng, ân sinh sản khổ sở, ân nhường khô nằm ướt, ân bú mớm, ân tắm rửa, ân chăm sóc nuôi nấng, ân xa cách thương nhớ, ân thương mến trọn đời… Mẹ thương con dù con bao nhiêu tuổi và thương con cho đến giây phút cuối cùng của đời mẹ. Với những người mẹ dù có hơn trăm tuổi vẫn lo lắng cho những đứa con 80 tuổi của mình.

Trong Kinh Báo ân, Đức Phật đã răn dạy cho Phật tử về đạo hiếu của con đối với cha mẹ:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha

Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha

Tần tảo sớm hôm, mẹ nuôi con khôn lớn

Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn, lên mắt mẹ nghe con!”

Nghe và ngẫm những lời răn dạy ấy, chúng ta càng thêm thấm thía và xúc động. Công ơn cha mẹ sâu nặng, biết kể sao cho hết. Đã có biết bao thế hệ nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ viết về mẹ, về cha với những cảm xúc ngân vang từ tận sâu đáy lòng với nỗi niềm khát khao cháy bỏng được ôm ấp, vỗ về, được áp mặt vào bầu sữa ngọt lành để cảm nhận được hơi ấm của tình mẫu tử thiêng liêng, để thấy mình được nhỏ lại và cảm nhận như được vỗ về, an ủi, yêu thương.

Chẳng thế mà nhạc sỹ Vũ Vĩnh Phúc trong bài hát “Công ơn cha mẹ” đã viết: “Ơn cha mẹ biển trời lai láng mênh mông, cả đời con mãi ghi tâm. Mẹ cha cho con cuộc sống, cho con tấm lòng, biết yêu thương, biết cậy trông… Với con, cha mẹ là vầng dương hồng tươi, cha mẹ là vầng trăng dịu êm mãi trong đời. Nhưng cha ơi, mẹ ơi, có những khi con lỗi phạm đến người. Để giọt lệ mẹ rơi… để giọt lệ cha rơi… con là người lầm lỗi… Xin cha mẹ thứ tha… cho con vẫn là người”.

Một mùa Vu Lan lại đến, trong lòng mỗi chúng ta lại rộn lên một niềm hiếu hạnh, nhắc nhở chúng ta nhớ công ơn cha mẹ nhiều hơn và thật hạnh phúc biết bao cho những người vẫn còn cha, còn mẹ, vẫn còn thời gian để thực hiện sự hiếu đạo của mình. Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta cần phải tâm niệm rằng: không phải đợi đến Rằm tháng bảy chúng ta mới cảm thấy thương nhớ cha mẹ, biết ơn cha mẹ mà phải tâm niệm rằng mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây chúng ta đều phải ghi nhớ công ơn cha mẹ và hạnh phúc, tự hào vì sinh ra đã được làm con của cha mẹ.

Như vậy, chữ “Hiếu” trong ngày lễ Vu Lan chính là sự biết ơn, lòng thành kính được thể hiện trong suy nghĩ, hành động và việc làm, thể hiện qua văn hóa ứng xử và báo đáp của thế hệ sau. Tuy nhiên, ở đâu đó quanh chúng ta vẫn thấy có những người hàng ngày bạc đãi cha mẹ, hoặc không quan tâm phụng dưỡng, nhưng đến khi cha mẹ chết đi, có người này, người kia đã thể hiện sự thành kính, hiếu lễ bằng việc mua sắm lễ vật, vàng mã, mâm cao cỗ đầy để cúng lễ mong được cha mẹ thần linh phù hộ...

Nhưng theo đạo Phật thì mọi việc trên thế gian Đức Phật đều thấu cả “Tâm xuất thì Phật biết”. Hiếu với cha mẹ phải xuất phát ở cái tâm, chứ không phải là những lễ vật quý hiếm, mâm cao cỗ đầy dâng kính mới là có hiếu. Bởi vậy, hãy thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ bằng chính những hành động, việc làm lúc cha mẹ còn sống, chúng ta nên hết lòng phụng dưỡng chăm sóc để không phải hối tiếc về sau khi cha mẹ đã lìa đời.

Để ngày lễ Vu Lan được hiểu và làm cho đúng với ý nghĩa, tinh thần của đạo Phật, mỗi người trong chúng ta cần hiểu rõ và làm đúng theo tinh thần đạo hiếu của ngày lễ Vu Lan. Hiếu với cha mẹ cốt là ở cái tâm, bằng tấm lòng chân thành, thành kính của mình. Đó chính là đạo lý ngàn đời, nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt và đúng với cách thể hiện đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ trong ngày lễ Vu Lan.

Nguyễn Thị Quyên (Ban Dân vận Tỉnh ủy)

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Chế độ chi đón tiếp, thăm hỏi một số đối tượng do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện(23/03/2024)
na Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thăm, tặng quà các chức sắc Phật giáo nhân dịp Tết Nguyên đán 2024(31/01/2024)
na Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh hỗ trợ xây dựng 4 ngôi nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo(25/12/2023)
na Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chúc mừng Lễ Giáng sinh năm 2023(23/12/2023)
na Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng thăm, chúc mừng Hội Thánh tin lành Hải Dương(22/12/2023)
Các tin cũ hơn
na Làm tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo(02/08/2017)
na Phật giáo tỉnh khai giảng khóa An cư Kiết hạ năm 2017(31/07/2017)
na Sư thầy giàu lòng từ bi(29/07/2017)
na Đại hội Hội Phật giáo huyện Thanh Miện(01/07/2017)
na Đại hội Phật giáo huyện Nam Sách lần thứ VIII(19/06/2017)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín