Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
8,248,638
75 năm Cách mạng tháng Tám: Giá trị lâu bền và ý nghĩa thời đại của bài học nhận định thời cơ và chớp thời cơ
( Cập nhật:13/8/2020 06:10:02)

Đánh giá và xác định đúng thời cơ, có hành động kịp thời, mau lẹ chớp thời cơ là một trong những nhân tố rất quan trọng bảo đảm thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945...

Dự báo sớm về khả năng xuất hiện thời cơ

Với tầm nhìn xa trông rộng, luôn bám sát tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo sớm con đường phát triển của cách mạng và khả năng xuất hiện thời cơ, từ đó kịp thời đề ra chủ trương, phương pháp đấu tranh đúng đắn, phù hợp từng giai đoạn, từ thấp đến cao tiến tới tổng khởi nghĩa.

Ngay từ những năm đầu thập niên 20 (thế kỷ XX), Ðảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm đưa ra những nhận định về thời cơ cách mạng ở Ðông Dương. Người viết: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến” (1).

Ðến cuối năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra và lan rộng khắp châu Âu, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mau lẹ. Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 7 (tháng 11.1940) đã nhận định về thời cơ của cách mạng Việt Nam: Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Ðảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: Lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Ðông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập.

Năm 1940, phát xít Ðức tiến công nước Pháp, Paris thất thủ rơi vào tay quân Ðức; ở Việt Nam, Nhật nổ súng đánh chiếm Lạng Sơn, hai đế quốc Nhật-Pháp tranh nhau "miếng mồi" Ðông Dương. Phân tích về diễn biến cuộc chiến tranh giữa phe phát xít và Ðồng minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định, thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về phe dân chủ và nhận định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến rất gần, tình thế cách mạng sắp xuất hiện. "Bây giờ Pháp mất nước rồi/ Không đủ sức, không đủ người trị ta./ Giặc Nhật Bản thì mới qua/ Cái nền thống trị chưa ra mối mành./ Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh /Khắp nơi có cuộc chiến tranh rây rà./ Ấy là dịp tốt cho ta/ Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông” (2).

Tháng 6.1940, được tin Pháp đầu hàng Đức, Bác khẳng định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng” (3). Và ngày 28.1.1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài, Bác về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Bốn tháng sau đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 họp và đánh giá: tình hình thế giới, tình hình trong nước sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng Liên Xô và các nước Ðồng minh sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít, chính quyền của phát xít Nhật lung lay, đổ nát; nhân dân ta bị bọn thực dân, phát xít xô đẩy vào thảm họa diệt vong, sẽ bước vào đường khởi nghĩa vũ trang và giành thắng lợi bằng tổng khởi nghĩa. Hội nghị nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (4).

 

Cách mạng tháng Tám với không khí sục sôi tại Hà Nội, thu hút mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước tham gia nổi dậy. Ảnh tư liệu

Chuẩn bị lực lượng về mọi mặt

Từ năm 1940 đến năm 1945, Đảng đã tích cực chỉ đạo xây dựng và củng cố các căn cứ địa cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã xây dựng được một vùng căn cứ địa Việt Bắc rộng lớn, bao gồm hầu hết các vùng nông thôn thuộc sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, cùng nhiều chiến khu và căn cứ vũ trang khác như: Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hoá, Quảng Ngãi... Đây thực sự là những nơi trọng yếu chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, là những trung tâm đầu não lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc.

Mặt khác, trong suốt thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, nhờ có những căn cứ địa ở vùng nông thôn đồng bằng vững mạnh, Đảng ta đã ra sức xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng chuẩn bị điều kiện cho tổng khởi nghĩa.

Trên thực tế, việc xây dựng lực lượng cách mạng đã được tiến hành từ rất sớm. Ngay từ khi mới ra đời, với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, Đảng ta đã quy tụ lực lượng và sức mạnh của cả dân tộc, làm nên một cao trào cách mạng rộng lớn trong phạm vi cả nước, huy động đông đảo quần chúng tham gia, với những hình thức đấu tranh phong phú đa dạng.

Đến năm 1941, Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5.1941) đã chủ trương tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm tập hợp tất cả mọi giai cấp, mọi tầng lớp, mọi đảng phái, mọi thành phần dân tộc, mọi cá nhân, tất cả những ai có tinh thần cách mạng, yêu nước, đấu tranh chống đế quốc Pháp, phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai. Tại Hội nghị, Đảng ta đã thành lập Mặt trận Việt Minh, quy tụ mọi giai cấp, tầng lớp cùng đoàn kết lại thông qua các hội: Nông dân cứu quốc, công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nhi đồng cứu quốc... tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc rộng rãi, vững chắc. Vai trò và sức mạnh to lớn của Mặt trận Việt Minh được thể hiện rõ nét trong thực tiễn, có sức lôi cuốn hiệu triệu mạnh mẽ quần chúng đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tháng 10.1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào toàn quốc phân tích tình hình thế giới có nhiều thuận lợi, Người nhận định: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh” (5). Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, ngày 22.12.1944, thực hiện chỉ đạo của Bác, Đội tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập với nhiệm vụ là hoạt động vũ trang tuyên truyền, kết hợp chính trị với quân sự.

Cùng với xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng về mọi mặt, ta chủ động tiến hành đấu tranh cách mạng từng phần, nhằm góp phần thúc đẩy thời cơ chín muồi. Đêm 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngày 12.3.1945 Đảng ta ra Chỉ thị: “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Như một "tia chớp", Chỉ thị được truyền đi nhanh chóng. Phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang của nhân dân ta diễn ra sôi nổi trên nhiều địa phương, nhất là ở Bắc Bộ. Lúc này, nạn đói đang diễn ra nghiêm trọng, đó cũng là một trong những lý do để Đảng ta chủ trương “phá kho thóc địch, giải quyết nạn đói”. Phong trào bùng lên và chính cuộc đấu tranh rộng lớn về kinh tế đã thổi lên ngọn lửa đấu tranh chống Nhật, phá chính quyền của địch, đưa quần chúng nhân dân vào cuộc khởi nghĩa từng phần, lập ra chính quyền cách mạng ở địa phương.

Để đẩy nhanh việc chuẩn bị khởi nghĩa, giữa tháng 4.1945, Bác cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc kỳ quyết định đặt nhiệm vụ quân sự lên hàng đầu, thống nhất sáp nhập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân. Lực lượng cách mạng chính trị và lực lượng vũ trang không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.

“Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến”

Tháng 8.1945, phát xít Đức đầu hàng đồng minh; ở Đông Dương quân Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục, những điều kiện cho tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Dù đang bệnh nặng, tại lán Nà Nưa, Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập” (6). Và "Cần phải tranh thủ từng giây, từng phút tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội" (7).

Nắm chắc thời cơ đó, Bác và Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu quốc dân ở Tân Trào (ngày 13.8), chủ trương phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào nước ta giải giáp quân đội Nhật. Tiếp đó, Đại hội quốc dân Tân Trào họp, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và bầu Ủy ban dân tộc giải phóng.

Ngay sau đó, Bác gửi thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước, trong đó khẳng định: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” (8). Hưởng ứng Lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng và lời kêu gọi của Bác, đồng bào trong cả nước đã đồng loạt đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong chưa đầy nửa tháng (từ 14 - 28.8.1945), cuộc tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến, chính quyền về tay nhân dân.

Sau này, phân tích thời cơ khi Tổng khởi nghĩa, Tổng Bí thư Trường Chinh cho biết: Nếu ngày 9.3.1945, Nhật vừa đánh đổ Pháp mà cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhanh thì cách mạng có thể tổn thất nhiều và chính quyền chưa thể thành lập trong toàn quốc, vì lực lượng Nhật lúc đó còn khá vững, có thể tiêu diệt quân cách mạng ở những nơi có thể giữ. Cho nên lúc đó chỉ khởi nghĩa bộ phận giành chính quyền địa phương. Nếu sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh mà nhân dân ta bị động trông chờ quân Đồng minh vào “giải phóng”, không tức thời nổi dậy giành chính quyền toàn quốc thì sẽ xảy ra hai trường hợp: hoặc bọn bù nhìn tay sai của Nhật đứng ra vỗ ngực “thoát ly ảnh hưởng của Nhật” và tự xưng là “độc lập, dân chủ” để đầu hàng Anh, Mỹ chứ không phải để giải phóng dân tộc. Hoặc Pháp sẽ ngóc đầu dậy thu thập sức tàn ở Đông Dương và đem tàn quân chạy ra ngoài rồi tháng 3 trở lại cùng với bọn Việt gian, lập chính quyền bù nhìn thân Pháp trong toàn quốc và tuyên bố thi hành bản tuyên ngôn ngày 24.3.1945 cho Đông Dương “tự trị”. Cả hai trường hợp ấy đều vô cùng nguy hiểm.

Như vậy, có thể khẳng định, cùng với việc phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thì chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa chính là một yếu tố quan trọng mang lại sự thành công cho cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, tạo nên một kỳ tích trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

75 năm đã trôi qua nhưng bài học quý báu về nhận định thời cơ và chớp thời cơ cách mạng của Ðảng ta trong Cách mạng tháng Tám 1945 vẫn giữ nguyên giá trị, góp phần giúp toàn Ðảng, toàn dân phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, để giành thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới.

Theo TTXVN

------------------------

(1): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.28

(2): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.3, tr.228

(3): Đầu nguồn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1975, tr 234.

(4): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.113

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.3, tr.506

(6), (7): Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, t2, tr.256, tr.258

(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t3, tr.554.

 

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Tấm gương không hám hư danh, không màng tư lợi(28/03/2024)
na Hội đồng hương Hải Dương - Hưng Yên tại thành phố Uông Bí kỷ niệm 30 năm thành lập(17/03/2024)
na Đại hội điểm MTTQ cấp huyện sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 năm 2024(14/03/2024)
na Hút kiều bào về Hải Dương đầu tư(08/03/2024)
na Hải Dương còn 471 người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại địa phương(05/03/2024)
Các tin cũ hơn
na Tự bảo vệ mình(11/08/2020)
na Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới(10/08/2020)
na Tốt nghiệp nhận thức(10/08/2020)
na Nghịch lý thị trường khẩu trang tại Hải Dương(09/08/2020)
na Thành lập Trang thông tin fanpage "Đoàn kết là sức mạnh"(04/08/2020)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín