Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
9,153,800
Chữ “hiếu” xưa và nay
( Cập nhật:17/8/2018 08:51:53)

Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc vẫn in đậm dấu ấn bản sắc Việt Nam được thể hiện qua những phẩm chất tốt đẹp của con người, trong đó chữ "hiếu" và đạo làm con luôn luôn được các thế hệ người Việt lưu truyền, gìn giữ và phát huy...

 

Ảnh minh họa

Xét về nguồn gốc phát triển, theo dòng chảy của thời gian, bản chất tốt đẹp của chữ hiếu và đạo làm con đã được hình thành rất sớm. Đạo hiếu đã được quy định rõ trong Hiến pháp, ngay từ thời Lê Sơ thông qua Bộ luật Hồng Đức, cán cân luật pháp thể hiện tính nghiêm minh thông qua quy phạm của luật hình sự, các tội nặng nhẹ được phân định rõ ràng, đặc biệt các tội được gọi là "tội ác". Điều 7, trong thập ác quy định về tội bất hiếu: “Bất hiếu là các tội tố cáo hoặc dùng lời lẽ để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ, hoặc khi có tang ông bà cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi”. Người phạm tội bị phạt rất nặng, bắt làm khao binh vụ cho lính ở chiến trường và trước khi đưa đi đày bị đánh 80 trượng trước xóm làng để răn đe thói hư bất hiếu.

Trong 13 vị Hoàng đế Triều Nguyễn, vua Tự Đức là người được quần chúng nhân dân ca ngợi nhất về lòng hiếu thảo với mẹ. “Trải qua 36 năm làm Vua trên ngai vàng, Vua Tự Đức lúc nào cũng dành ngày chẵn vào cung để vấn an sức khỏe mẹ, đồng thời nghe lời truyền bảo của mẹ, nếu có điều gì quan trọng đáng lưu tâm thì ghi ngay vào quyển sổ tùy thân mà nghiền ngẫm. Còn ngày lẻ thì lo việc triều đình, chớ không vì làm Vua có vạn năng quyền thế mà lơ là bổn phận làm con”. (Tìm hiểu các danh nhân - Nguyễn Phú Thứ).

Trong Đại Nam Nhất Thống Chí, bộ sách lịch sử địa lý của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, biên soạn thời Tự Đức, có thuật lại tấm gương hiếu của Thiền sư Nhất Đinh, khi mẹ thầy bị bệnh nặng, Thiền sư lặn lội lập An Dưỡng Am để cõng mẹ về cùng nương nấu. Mẹ Ngài ngày thêm bệnh nặng, được y sư khuyên rằng cần phải bồi bổ cho bệnh nhân bằng thịt hoặc cá mới mong khỏi, hằng ngày, Thiền sư chống gậy băng rừng lội bộ xuống chợ cách đó hơn 5 cây số để mua cá và buộc vào đầu gậy mang về am thổi cháo hầu mẹ, lần hồi bệnh thuyên giảm... Vì Sư lại xuống chợ mua cá mà bị đời đàm tiếu vì họ không hiểu. Lâu ngày, chuyện đến tai Vua Tự Đức, Vua sai người theo dõi, tìm hiểu hư thực. Vốn cũng là vua hiếu nên khi biết hoàn cảnh của Thiền sư, vua rất quý kính, cung cấp lương thực cho Thiền sư nuôi mẹ và cho tu bổ An Dưỡng Am rồi ban biển ngự đề "Sắc Tứ Từ Hiếu Tự". Kể từ đó, An Dưỡng Am trở thành chùa Từ Hiếu lưu danh đến ngày nay.

Vậy là, ngay từ thời xa xưa, người làm vua cũng như người dân Việt Nam đã có ý thức tôn trọng đạo lý làm người.

Gìn giữ và phát huy truyền thống ấy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được thể hiện phẩm chất quí giá này trong cuộc sống hàng ngày đối với các bậc đã sinh thành ra mình.

Thực tế đã cho thấy, trong các phẩm chất làm nên giá trị con người thì chữ hiếu có một vai trò vô cùng quan trọng. Có thể coi đó là nền móng để tạo ra các phẩm chất tốt đẹp khác, vì công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái không có gì so sánh được. Đúng như câu ca: “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha" và trong ca dao Việt Nam đã viết: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Chữ hiếu thể hiện thái độ, tình cảm cao đẹp và thiêng liêng, quý giá nhất của mỗi con người. Nó là một trong những chất liệu không thể thiếu để xây dựng cuộc sống hạnh phúc, là hành trang quý giá trong quá trình trưởng thành của bất kỳ một ai. Nó phản ánh nét đẹp văn hóa về đạo đức của cộng đồng, xã hội. Chữ hiếu được xem như phương thuốc nhiệm màu giúp chúng ta dễ dàng nhận ra giá trị chân thực của mỗi con người trong cuộc sống phức tạp.

Chữ hiếu bao hàm các mặt: Sự kính trọng và vâng lời cha mẹ, việc phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày, nhất là lúc ốm đau, già yếu, việc bảo vệ, gìn giữ danh dự và giá trị nề nếp gia phong, việc sử dụng tài sản vật chất do công sức lao động của cha mẹ tạo dựng nên và việc tổ chức tang lễ khi cha mẹ qua đời. Bổn phận của mỗi con người là phải làm tròn đạo làm con. Đây là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thực tế cho thấy, hầu hết những người làm con thuộc các thế hệ khác nhau đều khát khao làm tròn bổn phận làm con đối với những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng mình lớn khôn nên người. Bởi vậy, họ luôn luôn thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, những người đã đem lại cho họ sự sống với những lời ru ngọt ngào, những dòng sữa thơm ngon, những làn gió mát mẻ, những chỗ nằm khô ráo và nâng đỡ họ từ những bước đi đầu tiên, định hướng cho họ lựa chọn lý tưởng sống trong quá trình trưởng thành. Nghĩ như vậy, nên họ luôn luôn sẵn sàng tìm mọi cách để phụng dưỡng cha mẹ, ông bà, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Đó không chỉ là những bữa cơm ngon, canh ngọt, những bộ quần áo mới chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ mà còn lo sao để cha mẹ, ông bà, không phải lo lắng, phiền lòng về những việc làm của mình trong cuộc sống hàng ngày và trong các mối quan hệ công tác khác.

Với cách nghĩ “Hậu sinh khả úy”, “Con hơn cha là nhà có phúc” phần đông những người làm con trong thế hệ hôm nay luôn hướng tới những việc làm nhằm bảo vệ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta nói chung, những phong tục, tập quán lành mạnh của quê hương, nề nếp sinh hoạt có tính khoa học của dòng tộc, gia đình nói riêng. Họ biết phải làm như thế nào để sử dụng có hiệu quả những tài sản do ông bà, cha mẹ đã dày công gây dựng được, đồng thời gương mẫu thực hiện các quy định của Nhà nước trong việc tổ chức tang lễ khi ông bà, cha mẹ quy tiên. Có thể khẳng định người Việt Nam luôn luôn có ý thức tôn trọng đạo lý làm người. Bởi thế, họ thường xuyên lấy các chuẩn mực của đạo lý làm con để soi mình. Nói cách khác là họ biết tìm cách vận dụng có hiệu quả những yêu cầu của đạo làm con vào những việc làm cụ thể trong cuộc sống đời thường với phương châm: “Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chứ hiếu mới là đạo con”.

Trong văn hóa truyền thống của dân tộc, từ ngàn đời nay, người Việt Nam vốn rất coi trọng tình cảm gia đình.Vì thế, sự tôn kính, quý trọng đối với ông bà, cha mẹ không những là thứ tình cảm tự nhiên mà đó còn là bổn phận, trách nhiệm của những người làm con, làm cháu. Lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ còn được xem là thước đo phẩm chất đạo đức, sự thành công cũng như hậu vận của cuộc đời mỗi con người.

Đáng tiếc hiện nay, do ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập và những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nên đã có một bộ phận trong số người làm con có những việc làm không đúng với đạo làm con. Lẽ ra họ phải sống một cách chân chính để suốt đời có thể phụng dưỡng cha mẹ thì họ lại có những việc làm bất hiếu: các con chia nhau từng ngày nuôi mẹ, ganh tị lẫn nhau về việc đóng góp kinh phí thuê người chăm sóc bố mẹ, đánh đập, chửi bới, thậm chí là giết bố mẹ; cá biệt có người lại tìm đến cái chết đau thương để trốn tránh trách nhiệm làm con.

Hiện nay, mỗi năm có tới hàng ngàn vị thành niên phạm tội hình sự. Nếu trước đây họ chỉ mắc những lỗi như: đánh nhau, trộm cắp tài sản… thì ngày nay, tuổi vị thành niên có mặt ở tất cả các loại hình tội phạm. Đây là những người con đã không nhận thức được giá trị của chữ hiếu và đạo làm con nên đã sớm sa ngã vào con đường tội lỗi khiến cho các bậc cha mẹ phải đau lòng.

Ở tuổi trưởng thành, chúng ta cũng thấy còn tồn tại không ít hiện tượng vin cớ bận rộn công việc ở cơ quan, doanh nghiệp nên ít có thời gian chăm sóc cha mẹ, ông bà. Họ lấy đồng tiền thay cho sự thăm hỏi, động viên trực tiếp những lúc sớm chiều. Cá biệt có những người con chẳng những không gương mẫu chấp hành đúng các quy định của Nhà nước mà còn mưu toan trục lợi trong lúc ông bà, cha mẹ về thế giới bên kia...

Thực tế đang diễn ra trong xã hội hiện nay, vẫn có vô số những câu chuyện về đứa con, đứa cháu sẵn sàng phủ nhận tất cả công lao cha mẹ dành cho mình mà đối xử bạc bẽo, vô ơn. Không hiếm gặp hình ảnh những ông già, bà lão phải đi xin ăn, bán vé số khắp các nẻo đường phố hàng ngày để tự mưu sinh vì họ không được con cái chăm lo, quan tâm. Tệ hại hơn nữa, đó là những người cha, người mẹ bạc phước, bất hạnh vì bị con, cháu đánh đập, chửi bới, chì chiết và đuổi họ ra khỏi ngôi nhà của chính mình… Tất cả những việc làm sai trái đó không những đã vi phạm vào chuẩn mực, giá trị đạo đức mà còn là hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

Theo Luật Hôn nhân & Gia đình và Bộ luật Hình sự quy định rõ: Hành vi “ngược đãi” là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân (xỉ vả, mắng chửi, cố tình bỏ đói, mặc rách, mặc dù có điều kiện hoặc làm cho người bị hại đau đớn về tinh thần...); còn “hành hạ” là hành vi đối xử tàn ác (đánh đập, giam hãm…) làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần hoặc gây tổn hại về sức khoẻ.

Đối với mức xử lý hành chính, tại Điều 49 trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. Theo Điều 50 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Ngoài hình thức xử phạt hành chính như trên, tùy từng trường hợp, nếu hành vi của người có hành vi hành hạ, ngược đãi bố mẹ ông bà có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự. Theo đó: Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Người xưa vẫn dạy con cháu rằng: “Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Còn nếu đã tới mức đánh đập cha mẹ nghĩa là đứa con ấy đã phạm tội bất hiếu. Và sẽ chẳng có bản án nào là đủ dành cho những đứa con bất hiếu với ông bà, cha mẹ của mình; có chăng, đó chính là tòa án lương tâm, hối lỗi. Hy vọng rằng, các cơ quan chức năng sẽ xử phạt thật nghiêm minh những việc làm bất hiếu để những người làm ông bà, cha mẹ có được cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội bớt đi những hình ảnh không đẹp. Và quan trọng hơn là chính những người có diễm phúc đang còn được làm con, làm cháu, cần được thức tỉnh để có đủ sự hiểu biết, yêu thương mà báo hiếu cha mẹ, ông bà trước khi quá muộn.

Đạo hiếu là nét đẹp trong tâm hồn của con người Việt Nam, là cội nguồn sinh ra những phẩm chất quý giá khác. Trong cuộc sống không có thứ hạnh phúc nào to lớn và quý báu bằng được sống và chăm sóc các bậc sinh thành ông bà, cha mẹ. Để sớm khắc phục những hạn chế còn tồn tại về đạo làm con đã nêu trên, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các buổi sinh hoạt tập thể tại các thôn, khu dân cư về giá trị cao cả của đạo lý làm người, trong đó đạo làm con là hạt nhân cốt lõi. Cần làm cho mọi người hiểu đạo làm con phải được thực hiện thường xuyên và bắt đầu từ những việc đơn giản nhất trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư. Trong mỗi chúng ta, với tư cách là những người con phải không ngừng trau dồi đạo đức, lối sống, phát huy những việc làm tốt, tránh xa những hành vi xấu. Có như vậy mới góp phần làm rạng rỡ truyền thống: “Làm người hiếu nghĩa đi đầu/ Hiếu cha, hiếu mẹ việc gì cũng xong”./.

TS. Phạm Trung Thanh

 

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Chế độ chi đón tiếp, thăm hỏi một số đối tượng do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện(23/03/2024)
na Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thăm, tặng quà các chức sắc Phật giáo nhân dịp Tết Nguyên đán 2024(31/01/2024)
na Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh hỗ trợ xây dựng 4 ngôi nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo(25/12/2023)
na Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chúc mừng Lễ Giáng sinh năm 2023(23/12/2023)
na Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng thăm, chúc mừng Hội Thánh tin lành Hải Dương(22/12/2023)
Các tin cũ hơn
na Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Lễ Vu Lan báo hiếu(17/08/2018)
na Kết quả bước đầu thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho các cơ sở tôn giáo huyện Cẩm Giàng(13/08/2018)
na “Hiện tượng tôn giáo mới”, “tà đạo” - đặc điểm nhận dạng và vấn đề đặt ra(06/06/2018)
na Lễ mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562(29/05/2018)
na Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh thăm, tặng quà nhân dịp Đại lễ Phật đản năm 2018 - Phật lịch 2562(21/05/2018)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín