Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
9,144,083
Đầu năm mới nói chuyện về văn hoá ứng xử
( Cập nhật:3/1/2022 07:05:12)

Văn hóa ứng xử là những giá trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành trong quá trình tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng...

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức sáng 24/11/2021 tại Nhà Quốc hội. Ảnh minh họa

Trong bài viết này, nhân dịp đầu năm mới 2022, tác giả có đôi điều xin bàn về văn hoá ứng xử.

Văn hóa, với nhiều định nghĩa khác nhau, tùy theo góc độ nghiên cứu, nhưng tựu chung lại, văn hóa là những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa ngày 24/11/2021: "... khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...)". 

Ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Nói đến văn hóa ứng xử là nói đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành trong quá trình tương tác giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các thế hệ thông qua hành vi giao tiếp (ngôn ngữ, cử chỉ) hướng tới những điều tốt đẹp.

Việt Nam đi lên từ truyền thống văn hóa của một nước nông nghiệp trồng lúa nước. Những dấu ấn của văn hóa làng xã, trọng tình, trọng nghĩa, trọng tuổi tác; đề cao yếu tố tình cảm, gia đình, dòng họ; con người sống theo những chuẩn mực đạo đức, biết nhường nhịn, kính trên nhường dưới, ý thức rõ bổn phận, vị thế của mình trong xã hội,... là những giá trị tốt đẹp vẫn được gìn giữ, lưu truyền đến này nay. Trong thời gian cả nước tham gia phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, biết bao hình ảnh, hành động thể hiện sự ứng xử có văn hóa của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, hành vi ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân là khác nhau, nó được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành của mỗi cá nhân trong xã hội. Để là một người ứng xử có văn hóa thì chúng ta phải học cách giao tiếp, cách nói, thái độ của chúng ta với mọi người cũng như mọi tình huống trong cuộc sống.

Trong đời sống hàng ngày, từ văn hoá thường được dùng để chỉ những hành vi, thái độ, lời nói, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, với phong tục tập quán tốt đẹp của xã hội. Người ta thường nói: ông ấy, bà ấy có là người có văn hoá; gia đình ấy có văn hóa; làng ấy, cơ quan ấy có văn hoá. Và ngược lại, những thái độ, hành vi, lời nói không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, với phong tục tập quán thì bị coi là thiếu văn hóa, vô văn hóa. Đã không ít lần các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về những trường hợp (chắc đây cũng là cá biệt thôi), người này, người kia khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra thì tự vỗ ngực, xưng danh là "tao là VTV, tao là tiến sỹ", hay "mày biết tao là ai không",... đại loại những cách ứng xử như thế, thì người đó dù có là ai, chức tước gì, làm nghề gì, học vấn đến đâu, nhưng đều là người ứng xử thiếu văn hóa.

Vậy để là một người có văn hóa, ứng xử có văn hóa mỗi chúng ta cần làm gì?

Học là cơ sở để có văn hóa. Về cơ bản, đối với mỗi người phải trên cơ sở học hành thật sự, làm việc siêng năng (làm việc cũng là học ở thực tế) thì mới có điều kiện, thời gian để tiếp thu, rèn luyện và hình thành nên một nhân cách tốt, một con người có văn hóa. Những sản phẩm văn hóa có giá trị do con người tạo ra và được lưu truyền mãi mãi cũng là trên cơ sở của sự học hành, sáng tạo. Con người khi sinh ra ai cũng giống ai, nhưng sẽ dần dần khác nhau khi lớn lên và trưởng thành, bởi môi trường và sự rèn luyện, học hành và làm việc. Người xưa đã có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, nghĩa là, hòn ngọc thô kia nếu chẳng được mài giũa thì cũng chẳng thành món đồ trân quý được, con người ta không học qua thầy hay bạn tốt, qua nghịch cảnh của đường đời thì chẳng thể hiểu đạo lý làm người. Nếu chúng ta không học hỏi những tri thức ở cuộc sống, cả thế giới này thì mãi mãi sẽ không hiểu được đạo lý sống của cuộc đời, mãi mãi lầm đường lạc lối trong chốn trần gian này.

Học để hiểu đạo lý làm người. Những người ít học không thấu hiểu đạo lý sống ở đời dễ xảy ra tình trạng than trời trách đất - mà trời đất vốn là cái thuộc tự nhiên, nó đã được minh chứng ngàn đời nay, không thể nào sai được. Chỉ trách ta không đủ hiểu, không đủ khả năng thích nghi theo cuộc đời mà thôi. Người không hiểu đạo lý nhân sinh, hễ gặp khó khăn trở ngại là thối chí, hễ gặp thất bại là coi cuộc đời bất công, hễ gặp nghịch cảnh, khó khăn là than thân trách phận là tuyệt vọng, thậm chí muốn tự kết thúc cuộc đời.

Nếu mọi việc đều thuận lợi, dễ dàng, thì ai biết ai là người trí tuệ, ai kẻ phàm phu, ai biết ai là anh hùng tuấn kiệt, ai kẻ tiểu nhân. Vậy nên, người xưa có dạy, "gian nan luyện chí anh hùng". Khó khăn càng lớn, thì khi thành tựu càng vĩ đại.

Tuy nhiên, không phải ai học cao, hiểu biết nhiều cũng đều ứng xử có văn hóa nếu như "anh" không có ý thức rèn luyện thường xuyên, tu dưỡng. Trên thực tế, đã có không ít người đã thành đạt, được đề bạt lên đến các chức vụ cao, rất cao, những người đó đâu phải là người ít học, vậy mà lại sa vào vòng lao lý. Phải chăng, đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị đồng tiền, vật chất, chức quyền làm cho tha hóa.

Mỗi con người chúng ta được sinh ra đều giống nhau, đều là những viên ngọc tự nhiên thuần khiết, có thể trở thành viên ngọc trang sức quý giá, long lanh và đắt đỏ hay không ấy là tùy thuộc vào ý thức học tập và rèn luyện bản thân của chúng ta. Hãy cố gắng mài giũa mình bằng việc không ngừng học tập, rèn luyện và tu dưỡng để trở thành những viên ngọc sáng nhất, quý giá nhất.

Người có văn hóa thể hiện qua cách ứng xử - ứng xử có văn hóa. Đó là hành vi ứng xử, cách ứng xử của con người đạt giá trị chuẩn mực văn hóa chân - thiện - mỹ của một cộng đồng xã hội. Đó cũng chính là sức mạnh mềm làm nên nét đẹp và là chìa khóa thành công của mỗi người, mỗi dân tộc.

 

Siêu thị 0 đồng - nét đẹp văn hóa Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Đối với mỗi cá nhân, văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường hàng ngày, mà còn quyết định đến hiệu quả làm việc ở cơ quan và xã hội cũng như mức độ thành công trong sự nghiệp của người đó. Ví dụ, như một cán bộ chuyên môn chưa giỏi, thậm chí chỉ ở mức trung bình mà biết giao tiếp, ứng xử hợp tác với đồng nghiệp một cách tốt đẹp, linh hoạt, nhạy bén thì có thể thu hái nhiều thành công hơn những người có thể khá về chuyên môn, nhưng kiêu ngạo, chủ quan, giao tiếp ứng xử kém và thiếu tinh thần hợp tác.

Văn hóa ứng xử thể hiện rõ rệt về năng lực trí tuệ, khả năng tư duy và ứng xử văn hóa của con người, bộc lộ khả năng của người đó trong thực tiễn cuộc sống công tác ở cơ quan, công sở cũng như trong gia đình, ngoài xã hội. Qua cách ứng xử của một con người, ta có thể hiểu được bản chất của con người đó. Qua lời ăn, tiếng nói trong giao tiếp ứng xử, cổ nhân xưa đánh giá phẩm chất, năng lực của con người một cách hóm hỉnh, sâu sắc: Người thanh, tiếng nói cũng thanh - Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu; hoặc: Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo. Năng lực giao tiếp ứng xử có văn hóa được ông cha ta xem là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá con người: “Vàng thì thử lửa, thử than/Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”; “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết…

Xưa kia, người Việt thường giao tiếp bó hẹp sau lũy tre làng. Mặc dù không gian giao tiếp nhỏ nhưng được rèn luyện rất cẩn thận. Cha mẹ dạy con từ những điều nhỏ nhất như: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, đến những vấn đề như: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”.

Như vậy, để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa trong mỗi con người, chúng ta cần: nhận thức đúng về tầm quan trọng của văn hóa, phải không ngừng học tập, rèn luyện; coi trọng sự giáo dục trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp cho trẻ em và thanh thiếu niên; gắn việc giữ gìn tinh hoa văn hóa truyền thống, với việc hình thành những chuẩn mực, giá trị đạo đức mới qua quá trình tiếp thu, chọn lọc văn hóa, văn minh nhân loại.

Đối với cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo cần nêu cao vai trò gương mẫu, đi đầu, là những tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, tác phong để mọi người học tập, noi theo. Chúng ta đang tiếp tục mở rộng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chính là nhằm giữ gìn và phát huy giá trị, truyền thống văn hóa quá giá của dân tộc ta đã lưu truyền ngàn đời nay, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của truyền thống quý báu đó./.

Lương Anh Tế

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Nhớ nguồn cội, nghĩ đạo làm người(18/04/2024)
na Thể lệ Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023 - 2024(14/04/2024)
na Biểu trưng và tranh cổ động Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X(10/04/2024)
na Cuộc thi viết “Bác Hồ với Hải Dương, Hải Dương với Bác Hồ”: Không hạn chế đối tượng, số lượng tác phẩm tham gia (10/04/2024)
na Hải Dương rút kinh nghiệm tổ chức Đại hội điểm MTTQ cấp huyện(09/04/2024)
Các tin cũ hơn
na Tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh của MTTQ Việt Nam trong sự phát triển chung của đất nước(31/12/2021)
na Khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ kiêm Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn(27/12/2021)
na 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến và bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc(18/12/2021)
na Tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XVII(06/12/2021)
na Cụm thi đua các tỉnh Đồng bằng sông Hồng: Nội dung thi đua cần gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống(03/12/2021)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín