Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
8,248,901
Nhân rộng mô hình giảm nghèo, cận nghèo đa chiều bền vững *
( Cập nhật:14/7/2018 10:09:35)

Mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập sẽ giúp người nghèo, người cận nghèo thoát nghèo, người mới thoát nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở...

 

Ảnh minh họa

Trong quá trình phát triển của xã hội, sự phân tầng giàu nghèo là một điều tất yếu. Dù ở bất cứ quốc gia nào: phát triển, đang phát triển hay chậm phát triển đều có tồn tại vấn đề người nghèo. Đó là một trong những rào cản lớn, làm giảm khả năng phát triển của con người, cộng đồng cũng như mỗi quốc gia. Có điều chuẩn người nghèo ở các nước thì có mức độ khác nhau. Ngay trong một nước, chuẩn nghèo trong mỗi giai đoạn lịch sử cũng có mức độ khác nhau. Điều quan trọng là dù ở nước nào người ta cũng có mục tiêu thu hẹp phạm vi người nghèo, tiến tới xóa đói, giảm nghèo.

Theo quan điểm của Tổ chức Liên hợp quốc (UN): “Nghèo là thiếu năng lực tối thiểu để tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội. Nghèo có nghĩa là không có đủ ăn, đủ mặc, không được đi học, không được khám chữa bệnh, không có đất đai để trồng trọt hoặc không có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, không được tiếp cận tín dụng. Nghèo cũng có nghĩa là không an toàn, không có quyền và bị loại trừ, dễ bị bạo hành, phải sống trong các điều kiện rủi ro, không tiếp cận được nước sạch và công trình vệ sinh”.

Ở nước ta, trước đây xác định chuẩn nghèo có tính chất đơn chiều, tức là chỉ dựa vào mức sống tối thiểu, thông qua thu nhập. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội khóa 13 về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó nêu rõ: xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đó là: Tiếp cận về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn và tình trạng đi học của trẻ em); tiếp cận về y tế (các dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế); tiếp cận về nhà ở (chất lượng nhà ở và diện tích nhà ở bình quân đầu người); tiếp cận điều kiện sống (nguồn nước sinh hoạt, hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh); tiếp cận thông tin (sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin). Sự nghiên cứu của các nhà chính trị và học giả thuộc các quốc gia trên thế giới đã có sự thống nhất cao về quan điểm nghèo đa chiều. Đó là sự thiếu hụt hoặc không được thỏa mãn ở mức tối thiểu các nhu cầu cơ bản của con người trong cuộc sống.

Hiện nay, đã có 32 quốc gia nghiên cứu chuyển đổi và áp dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đo lường nghèo đa chiều nhằm mục đích xác định một cách đầy đủ đối tượng nghèo, cận nghèo, trên cơ sở đó hoạch định các chính sách giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển xã hội.

Ở tỉnh ta, theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh theo điều tra đầu kỳ là: 40.348 hộ, chiếm tỷ lệ 7,19% tổng số hộ trong tỉnh; tổng số hộ cận nghèo: 23.939 hộ, chiếm tỷ lệ 4,27%. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có: 29.107 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,08%, có 23.380 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,08% (theo kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2016). Như vậy, sau một thời gian số hộ nghèo đã giảm được 11.241 hộ, tương ứng 2,11%, số hộ cận nghèo giảm 559 hộ tương ứng 0,19%. Đến năm 2017, tổng số hộ nghèo trong tỉnh chỉ còn 21.105 hộ chiếm tỷ lệ 3,60% (giảm 1,48% so với năm 2016). Số hộ cận nghèo là 21.658 hộ chiếm tỷ lệ 3,70% (giảm 0,38% so với năm 2016). So với một số tỉnh bạn thì số lượng hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh ta là thấp. Ví dụ: ở tỉnh Cao Bằng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn tỉnh chiếm 52,36%, trong đó, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 42,5%. Ở tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 8 năm 2016 toàn tỉnh có 128.898 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,51%. Ở tỉnh Bạc Liêu số hộ nghèo của tỉnh chiếm tỷ lệ 15,55%, số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ trên 7,03%...

Trong những năm qua, vấn đề xóa đói, giảm nghèo bền vững luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo, chăm sóc, các đoàn thể nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, ủng hộ khi triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách đối với các hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo, mới thoát nghèo. Đây chính là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đạt kết quả cao (2,11%), vượt mục tiêu của tỉnh đề ra (1%), nhưng tính bền vững trong việc giảm nghèo thì còn hạn chế. Điều đó được biểu hiện ở chỗ: năm 2016, có 2.441 hộ phát sinh nghèo mới; số hộ thoát nghèo trong năm là 13.924 hộ, tái nghèo là: 242 hộ; năm 2017 có 1784 hộ phát sinh nghèo mới, có 10.131 hộ thoát nghèo nhưng lại có 339 hộ tái nghèo. Số hộ thoát nghèo trong hai năm tuy cao, nhưng đa phần chỉ thoát khỏi ngưỡng nghèo, rơi vào chuẩn cận nghèo. Chỉ tính trong hai năm 2016 và 2017 đã có 13.806 hộ phát sinh cận nghèo mới.

Sở dĩ có tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự hạn chế về công tác tuyên truyền, vận động mọi người thường xuyên nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giảm nghèo bền vững đối với sự phát triển của quê hương, đất nước; vẫn còn một bộ phận người nghèo chẳng những thiếu tinh thần quyết tâm vươn lên thoát nghèo, mà còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước; nhiều chính sách giảm nghèo còn mang nặng tính chất hỗ trợ kinh phí là chính, chưa quan tâm đúng mức tới cách tạo ra phương thức sinh kế cho người nghèo.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên và nhanh chóng vươn tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, hiện nay tỉnh đã xây dựng Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn giai đoạn 2018 – 2020” và sẽ triển khai áp dụng rộng rãi trong thời gian tới. Mục tiêu cụ thể của Dự án là: thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình tăng 15 – 20% /năm; bình quân mỗi năm có khoảng trên 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia mô hình được thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững, không tái nghèo; ít nhất có 1.400 lao động nghèo, cận nghèo được tham gia và hưởng lợi từ dự án; giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa bàn thực hiện dự án từ 1% trở lên; 100% người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tham gia mô hình được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ.

Về lộ trình thực hiện Dự án: năm 2018 thực hiện 4 mô hình; năm 2019 thực hiện 8 mô hình, năm 2020 thực hiện 8 mô hình. Khuyến khích các địa phương tự nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Dự án sẽ được thực hiện trên cơ sở lồng ghép các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo theo tinh thần Nghị quyết 80 NQ – CP của Chính phủ, bao gồm: chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trong sự tích hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Đồng thời triển khai các loại mô hình giảm nghèo đặc thù với mô hình giảm nghèo liên kết với doanh nghiệp.

Để có thể thực hiện thành công việc giảm nghèo đa chiều bền vững, chúng ta cần sử dụng tổng hợp các biện pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng về công tác giảm nghèo; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, cơ sở, sự phối hợp của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình thực hiện dự án; thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, nhất là ở cấp cơ sở; tăng cường liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, nhà khoa học cùng hỗ trợ thực hiện; tích hợp huy động các nguồn lực và thực hiện lồng ghép với các dự án khác có liên quan; nhất là cần làm tốt công tác tổ chức, quản lý trong quá trình triển khai các mô hình./.

TS. Phạm Trung Thanh

                                                                                                                                                 

* Bài viết có sự tham khảo Dự án "Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2018 – 2020" tỉnh Hải Dương

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai kế hoạch xây nhà Đại đoàn kết (đợt 1) năm 2024 (20/03/2024)
na Hải Dương hoàn thành lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(10/03/2024)
na Khánh thành, bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo phường Bến Tắm(31/01/2024)
na Hải Dương vận động trên 35 nghìn suất quà Tết cho người nghèo(31/01/2024)
na Hải Dương có thêm 21 xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu(31/12/2023)
Các tin cũ hơn
na Cẩm Giàng: Lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới(21/06/2018)
na Trách nhiệm của thanh niên trong việc tiếp nối truyền thống (29/04/2018)
na Nam Sách: Nâng cao hiệu quả phối hợp tuyên truyền, vận động bảo đảm trật tự an toàn giao thông(28/04/2018)
na Ủy ban MTTQ tỉnh tặng quà Tết các bệnh nhân nhi có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ duy trì "Nồi cháo Chữ thập đỏ"(12/02/2018)
na Các đồng chí lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh thăm, tặng quà, chúc tết các trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ, hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh(08/02/2018)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín