Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
8,250,940
Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử (bài tám)
( Cập nhật:6/9/2017 20:50:45)

Kỹ năng tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề

 

Giám sát về môi trường

Giám sát chuyên đề là hoạt động giám sát ngoài kỳ họp được thực hiện bởi ba chủ thể: Hội đồng nhân dân (HĐND); Thường trực HĐND; Ban của HĐND. Giám sát chuyên đề góp phần trong việc chấp hành pháp luật, nghị quyết HĐND được nghiêm minh; góp phần cho việc quyết định ban hành chính sách sát, đúng, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Giám sát chuyên đề là việc các chủ thể tổ chức Đoàn giám sát để theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của các đối tượng giám sát về một vấn đề (nội dung) nào đó trong việc thi hành pháp luật, nghị quyết HĐND, thường là những vấn đề lớn, liên quan đến quyền, lợi ích của đông đảo người dân hoặc công tác quản lý nhà nước của các cơ quan công quyền.

Từ các quy định về giám sát chuyên đề và kinh nghiệm thực tế, có thể xây dựng một quy trình của hoạt động giám sát chuyên đề gồm 7 bước, nội dung công việc của mỗi bước như sau:

Bước 1. Thành lập đoàn giám sát: Căn cứ vào chương trình giám sát, HĐND ra nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐND làm Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm Ủy viên của Thường trực HĐND, đại diện Ban của HĐND và một số đại biểu HĐND.

Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND ra quyết định thành lập đoàn. Một Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên của Thường trực HĐND làm Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm đại diện của Ban và một số đại biểu HĐND.

Căn cứ vào chương trình giám sát của mình hoặc qua giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, qua phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến, kiến nghị của cử tri phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc được HĐND, Thường trực HĐND giao, Ban ra quyết định thành lập đoàn, Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm Ủy viên của Ban và một số đại biểu HĐND.

Chú ý: Nghị quyết, quyết định thành lập Đoàn giám sát phải xác định rõ phạm vi, đối tượng, nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND có thể mời Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cùng tham gia giám sát.

Bước 2. Xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng giám sát xây dựng báo cáo và hệ thống hóa các văn bản pháp luật liên quan đến nội dung giám sát (làm tài liệu phục vụ đoàn giám sát).

Bước này do chuyên viên Văn phòng hoặc tổ giúp việc Đoàn giám sát thực hiện (gọi là bộ phận giúp việc). Việc xây dựng đề cương cần chú ý bám sát mục đích, yêu cầu và nội dung giám sát, những vấn đề trọng tâm của chuyên đề giám sát; đối tượng giám sát có thể thuộc nhiều cơ quan với chức năng, nhiệm vụ khác nhau, do đó, cần chia nhóm các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau để có đề cương yêu cầu báo cáo khác nhau. Ví dụ: nhóm cơ quan quản lý Nhà nước, nhóm cơ quan thừa hành, nhóm cơ quan là doanh nghiệp,... thì nội dung yêu cầu báo cáo sẽ khác nhau. Đề cương yêu cầu báo cáo cũng sẽ là đề cương để viết báo cáo kết quả giám sát.

Việc hệ thống hóa các văn bản pháp luật liên quan đến nội dung giám sát là rất cần thiết, vì một vấn đề giám sát có thể liên quan đến nhiều văn bản luật khác nhau, tổ giúp việc Đoàn giám sát hoặc chuyên viên Văn phòng giúp Đoàn biên tập (trích những nội dung liên quan) thành tập tài liệu phục vụ giám sát sẽ giúp ích rất nhiều cho các thành viên Đoàn giám sát.

Bước 3. Thông báo kế hoạch và gửi đề cương yêu cầu báo cáo đến các đối tượng giám sát (chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thành lập Đoàn giám sát); đồng thời phải yêu cầu thời gian gửi báo cáo, để thành viên Đoàn giám sát có thời gian nghiên cứu trước khi giám sát trực tiếp tại đơn vị.

Bước 4. Giám sát qua báo cáo: Sau khi nhận được báo cáo của các đối tượng giám sát, bộ phận giúp việc sao in gửi tới các thành viên đoàn giám sát để nghiên cứu, xem xét báo cáo, đối chiếu với quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND, đề xuất những vấn đề cần yêu cầu đối tượng giám sát giải trình làm rõ. Ý kiến của các thành viên được tổng hợp lại sẽ là nội dung để làm việc trực tiếp với các đơn vị ở bước sau.

Trong bước này, Đoàn giám sát có thể thu thập thêm thông tin thông qua hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân, các chuyên gia,...

Bước 5. Giám sát trực tiếp (làm việc với đơn vị): Đây cũng có thể coi là hoạt động khảo sát để làm rõ những vấn đề đoàn giám sát quan tâm sau khi đã giám sát qua báo cáo (thông báo chương trình và thành phần Đoàn giám sát chậm nhất là 10 ngày trước ngày Đoàn giám sát làm việc với đối tượng giám sát).

Tổ chức giám sát trực tiếp không nhất thiết phải làm với tất cả đối tượng giám sát (nếu số lượng đơn vị giám sát lớn), chỉ cần làm việc với những đơn vị mà qua xem xét báo cáo hoặc qua thông tin từ thực tế đại biểu thu thập được có vấn đề cần trực tiếp khảo sát, nghe giải trình thêm.

Bước 6. Xây dựng báo cáo giám sát: Sau khi đã có đầy đủ thông tin (qua báo cáo) và làm việc trực tiếp với đơn vị, các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm đã được giải trình làm rõ, Đoàn tiến hành xây dựng báo cáo kết quả giám sát.

Báo cáo phải đánh giá trung thực, khách quan kết quả hoạt động của các đơn vị theo nội dung giám sát, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót (và cả những vi phạm), từ đó đưa ra kết luận và kiến nghị. Kiến nghị phải nêu rõ yêu cầu đối tượng giám sát thực hiện vấn đề gì, khắc phục, sửa chữa vấn đề gì (thuộc thẩm quyền của Đoàn giám sát), hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý, kể cả kiến nghị việc thanh tra, điều tra (nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng).

Báo cáo giám sát phải được các thành viên của Đoàn nhất trí thông qua. Đoàn nên gửi dự thảo báo cáo đến các đối tượng giám sát, nếu có vấn đề gì chưa thống nhất có thể tổ chức đối thoại để làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau trước khi chính thức thông qua báo cáo. (Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động giám sát, Đoàn giám sát phải báo cáo kết quả giám sát).

Bước 7. Theo dõi thực hiện kiến nghị sau giám sát: Đây là bước rất quan trọng bảo đảm cho giám sát đi đến kết quả cuối cùng, nếu không thực hiện tốt bước này thì giám sát chẳng mấy ý nghĩa. Sau khi báo cáo giám sát được cấp có thẩm quyền thông qua (hoặc được HĐND ra nghị quyết), chủ thể thực hiện giám sát phải tổ chức theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị đã có hiệu lực, cần thiết phải tổ chức “tái giám sát”- tức là giám sát thực hiện kết quả giám sát.

Để thực hiện giám sát có hiệu lực, hiệu quả, Đoàn giám sát cần thực hiện đầy đủ quyền hạn của mình được pháp luật cho phép: “Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Đoàn giám sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật" (các Điều 62, 70, 80 - Luật Giám sát của Quốc hội, HĐND)./.

Lương Anh Tế
[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Chuyển biến tích trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị tại Đảng ủy phường Phạm Ngũ Lão(26/11/2023)
na Phường Thanh Bình: Khéo dân vận – Chìa khóa của mọi thành công!(21/11/2023)
na Xã Nam Chính thực hiện hiệu quả công tác giám sát đầu tư của cộng đồng(05/04/2023)
na Gia đình bà Trịnh thực hiện vệ sinh yêu nước(15/02/2023)
na MTTQ xã An Thanh tuyên truyền vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nâng cao(30/12/2022)
Các tin cũ hơn
na Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử (bài bảy)(05/09/2017)
na Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử (bài sáu)(29/08/2017)
na Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử (bài năm)(28/08/2017)
na Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử (bài bốn)(26/08/2017)
na Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử (bài ba)(24/08/2017)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín