Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
9,077,893
Ý kiến cử tri - góc nhìn văn hóa: Tiết kiệm cần trở thành một nét văn hóa
( Cập nhật:18/4/2020 14:42:44)

Đã và đang diễn ra một truyền thống văn hóa Việt Nam - đó là tinh thần sẻ chia, lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái của những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm giúp đỡ những người đang gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra. Nhưng tinh thần tiết kiệm cũng cần trở thành một nét văn hóa trong mỗi con người Việt Nam.

 

Kết quả của sự tiết kiệm (ảnh minh họa)

Mấy ngày gần đây, trên các phương tiên thông tin đại chúng, mọi người thấy hình ảnh của các máy ATM gạo phát miễn phí, hình ảnh các tổ chức, nhà hảo tâm phát, tặng những hộp cơm, những phần quà hỗ trợ những người gặp khó khăn trong dịch bệnh. Rồi Chính phủ phải chi gói hỗ trợ đến trên 60 ngàn tỷ đồng cho các đối tượng yếu thế, gặp khó khăn. Rồi hình ảnh lực lượng cán bộ y tế, công an, quân đội lăn lộn, vất vả, bất chấp hiểm nguy trên tuyến đầu chống dịch,... Tất cả những điều đó phản ánh một chế độ xã hội tốt đẹp vì con người, vì nhân dân; một truyền thống văn hóa Việt Nam - văn hóa tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách,... Văn hóa ấy được cả cộng đồng quốc tế khâm phục và ngưỡng mộ. Những hình ảnh ấy đều tác động đến mỗi con người, bản thân tôi cũng thật sự xúc động.

Tuy nhiên, trong tôi lại xuất hiện một suy nghĩ, băn khoăn ở một góc khác - đó là vấn đề tiết kiệm. Tác giả không có ý phê phán những người nhận sự hỗ trợ từ cộng đồng, mà muốn mỗi chúng ta, dù là cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp cùng nhìn nhận lại về cách thức quản lý tài chính, quản lý đồng tiền của mình.

Sáng ngày 15 tháng 4 vừa qua, tôi có đọc được một thông tin từ một số báo về việc một người thầy giáo người Anh dạy tiếng Anh ở Thành phố Hồ Chí Minh mất việc làm do dịch bệnh, không có tiền nên phải cầm bảng ra đường đứng để xin sự giúp đỡ của mọi người: “Không có công việc, giúp tiền mua thức ăn. Cảm ơn!”. Rồi, những cây gạo ATM từ các nhà hảo tâm đã hỗ trợ gạo ăn qua ngày cho hàng ngàn người dân.

Một câu hỏi xuất hiện trong tôi, vì sao lại có nhiều người khó khăn vậy trong khi kinh tế đất nước mấy năm nay khá lên nhiều, vì sao cả người nước ngoài đến làm việc ở ta có mức lương cao mới mất việc làm thời gian ngắn mà cũng đã gặp khó khăn đến nỗi phải xin sự hỗ trợ từ cộng đồng. Để tìm câu trả lời cho chính xác thì thật khó, bởi mình cũng không biết hoàn cảnh cụ thể của họ.

Sự so sánh có thể khập khiễng, nhưng thế hệ chúng tôi (thế hệ U50, U60) trở về trước, do sinh ra và lớn lên trong khung cảnh đất nước thời kỳ chiến tranh và khó khăn về kinh tế nên đã tạo ra một lớp người biết chắt chiu, tiết kiệm "tích cốc - phòng cơ", dù tiền ít nhưng vẫn đủ do biết cân đối chi tiêu. Vậy mà bây giờ, tuy không phải tất cả, nhưng không hiểu có phải được sống trong điều kiện thuận lợi, kinh tế khá giả mà nhiều người chưa hết tháng đã hết tiền, có khi còn vay trước để tiêu, mua hàng trả góp,... không có dự phòng, không có tiết kiệm dẫn đến khi gặp khó khăn một chút là không thể vượt qua và phải trông cậy vào sự trợ giúp. Ngay cả nhiều doanh nghiệp, do không có sự tích lũy, không có dự phòng rủi ro nên đang gặp nhiều khó khăn, đang trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí có doanh nghiệp có thể bị phá sản trong giai đoạn đại dịch này.

Nếu như mỗi người chúng ta, mỗi doanh nghiệp, đơn vị kinh tế khi làm ăn thuận lợi, có thu nhập, có lợi nhuận mà biết tiết kiệm, biết dự trữ đề phòng rủi ro thì lúc khó khăn do dịch bệnh này đâu đến nỗi phải gặp khó khăn nhanh đến thế.

Xin nhắc lại lời của một số cổ nhân để chúng ta cùng suy ngẫm:

Ngạn ngữ Việt Nam có câu "được mùa chớ phụ ngô khoai. Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng", là muốn nhắn nhủ chúng ta khi làm ăn thuận lợi chớ coi thường những sự nhỏ nhặt, đến khi gặp khó khăn, sự nhỏ nhặt ấy sẽ cứu cánh chính ta.

Cổ ngữ Việt Nam: "Lúc có tiền nên nghĩ đến ngày không có tiền; chớ để đến ngày không có tiền, mới nhớ lại đến lúc có tiền". Hay câu: "Khéo làm thì no, khéo co thì ấm", là muốn nói hai việc, làm việc cần cù và tiết kiệm trong chi tiêu và cũng chính là kỹ năng quản trị tài chính của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi sinh thời đã nói: " Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người". Trong bốn đức tính Bác Hồ nhắc đến có đức tính về sự tiết kiệm cần có trong mỗi con người hoàn chỉnh.

Bác Hồ còn căn dặn: "Cần mà không Kiệm, "thì làm chừng nào xào chừng ấy". Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không ".

Ngạn ngữ của Thổ Nhĩ Kỳ: "Người ta giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu ".

Nhà kinh tế học, Benjamin Franklin nói: "Beware of little expenses. A small leak can sink a great ship". Dịch là: Hãy cẩn thận với những chi phí nhỏ. Một lỗ rò bé có thể làm đắm cả con tàu.

Hay, John Tyler cũng nói: "Wealth can only be accumulated by the earnings of industry and the savings of frugality". Dich là: Giàu sang chỉ đạt được nhờ những gì mà sự chăm chỉ kiếm ra và sự tằn tiện tiết kiệm.

Đối với một quốc gia: "The national budget must be balanced. The public debt must be reduced; the arrogance of the authorities must be moderated and controlled. Payments to foreign governments must be reduced. If the nation doesn't want to go bankrupt, people must again learn to work, instead of living on public assistance". Dịch là: Ngân sách quốc gia phải được cân bằng. Nợ công phải giảm; sự kiêu ngạo của chính quyền phải được tiết chế và kiểm soát. Các khoản phải trả cho chính phủ các quốc gia khác phải được giảm xuống. Nếu quốc gia không muốn vỡ nợ, người dân phải học cách làm việc, thay vì sống dựa vào trợ cấp xã hội (Marcus Tullius Cicero).

Những câu nói, những đúc kết cũng là những bài học được rút ra từ thực tiễn cuộc sống trên đây muốn nhắc chúng ta về sự cần cù trong làm việc phải đi đôi với tiết kiệm trong chi tiêu, cao hơn nữa là việc quản trị tài chính đối với mỗi doanh nghiệp. Lúc này, mới thấy rõ ai, đơn vị, tổ chức kinh tế nào mà có dự trữ, có sự đề phòng rủi ro thì sẽ vượt qua được khó khăn trước mắt để tiếp tục đi lên. Và ngược lại.

Từ vấn đề trao đổi trên đây, tôi nghĩ rằng, đã đến lúc mỗi người, mỗi doanh nghiệp, nếu chưa làm thì nên coi đây là một "bài học" và bắt đầu "rút kinh nghiệm", hãy rèn cho mình, cho doanh nghiệp mình một đức tính cần - kiệm để trở thành thói quen, trở thành một nét văn hóa trong mỗi con người Việt Nam - "văn hóa tiết kiệm".

Anh Lương

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Nhớ nguồn cội, nghĩ đạo làm người(18/04/2024)
na Thể lệ Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023 - 2024(14/04/2024)
na Biểu trưng và tranh cổ động Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X(10/04/2024)
na Cuộc thi viết “Bác Hồ với Hải Dương, Hải Dương với Bác Hồ”: Không hạn chế đối tượng, số lượng tác phẩm tham gia (10/04/2024)
na Hải Dương rút kinh nghiệm tổ chức Đại hội điểm MTTQ cấp huyện(09/04/2024)
Các tin cũ hơn
na Hải Dương: Không tụ tập đông người, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết(16/04/2020)
na Chung tay phòng, chống dịch COVID-19 bằng ý chí và hành động cụ thể(13/04/2020)
na Chặn vi phạm trong phòng dịch(12/04/2020)
na Điều chỉnh đáp ứng từng cấp độ dịch Covid-19(09/04/2020)
na Mới có 16,5% số dân khai báo y tế qua ứng dụng NCOVI(06/04/2020)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín