Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
8,961,205
Tư duy quản lý thời đại công nghệ số (bài 2)
( Cập nhật:13/9/2018 06:35:20)

Xây dựng tư duy hệ thống, thường xuyên rèn luyện nghiệp vụ, sự tinh thông cá nhân.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ công bố sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh: VGP

Ngoài việc hình thành phong cách tư duy khoa học, sẵn sàng tiếp nhận cái mới để có sự thành công trong lĩnh vực hoạt động của mình như đã phân tích ở bài 1, thì người quản lý cần xây dựng tư duy hệ thống và thường xuyên rèn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ và sự tinh thông cá nhân.

Xây dựng tư duy hệ thống

Tư duy hệ thống là khả năng nhìn thấy những sức mạnh tổng thể được tích hợp lại từ các bộ phận của toàn bộ hệ thống, chứ không phải là những yếu tố riêng biệt nằm trong hệ thống... Xét về mặt tâm lý, tư duy hệ thống là một tinh thần kỷ luật, xem hệ thống như một chỉnh thể với tất cả tính phức tạp của nó. Thông qua sự nghiên cứu, tìm tòi mối quan hệ của các bộ phận, người quản lý có thể tiến hành củng cố, bổ sung, thay đổi để thiết lập nên mô hình hệ thống tổng thể mới.

Khi xem các trận đấu của đội tuyển bóng đá Olympic U23 quốc gia Việt Nam tại giải Asiad năm 2018 vừa qua, những khán giá có sự am hiểu về môn thể thao này đều nhận ra khả năng tư duy hệ thống của Huấn luyện viên trưởng Park Hang – seo. Trong mỗi trận đấu ông đều suy nghĩ một cách thận trọng trong việc sử dụng cầu thủ ra sân ở trận đấu với ai? Đá ở vị trí nào? Vào sân trong thời điểm nào? với phương châm có thể phát huy được tối đã thế mạnh của mỗi người trong sự liên kết của 11 cầu thủ trên sân, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn đội để đạt được mục đích chiến thắng đối phương, trên cơ sở phân công cụ thể cho từng người hạn chế sự lấn át của những cầu thủ nòng cốt ở đội bạn. Có thể khẳng định rằng: chiến thẳng của U23 Việt Nam có phần đóng góp quan trọng của phầm chất tư duy hệ thống của huấn luyện viên trưởng Park Hang – seo.

Thường xuyên rèn luyện nghiệp vụ sự tinh thông cá nhân   

Sự tinh thông cá nhân là khái niệm nói về những nguyên tắc của phát triển cá nhân, học tập, rèn luyện để làm chủ chính mình góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Điều đó được biểu hiện ở chỗ: người quản lý nhận thức được một cách đúng đắn bản chất cơ bản của con người là chủ động hành động chứ không phải bị động đối phó. Tính chủ động giúp người quản lý có thể thực hiện bất kỳ công việc gì cần thiết phù hợp với các quy luật, nguyên tắc đúng đắn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người quản lý phải coi sự nhận thức một cách đầy đủ về bản thân mình là yếu tố quan trọng nhất của sự thành đạt. Vì đã không tự biết mình thì sao có thể thấu hiểu được bạn bè, đồng nghiệp để vận động họ cùng làm theo.

Những nhà quản lý giỏi, biết tập trung trí tuệ và tâm huyết của mình vào sự tìm kiếm các giải pháp để tháo gỡ các sự việc, hiện tượng mà họ có thể kiểm soát. Bản chất năng lượng của họ là tích cực. Họ nhận thức được trong cuộc sống của con người luôn tồn tại ba giá trị trung tâm. Đó là giá trị kinh nghiệm - giá trị đến từ bên ngoài; giá trị sáng tạo - giá trị do chính con người tạo ra; giá trị thái độ - tức giá trị từ phản ứng của con người trước những hoàn cảnh khó khăn. Kinh nghiệm thực tiễn cho hay, giá trị cao nhất trong ba giá trị trên là giá trị thái độ. Sự khác nhau cơ bản giữa những người quản lý có thói quen chủ động và bị động là ở chỗ: người chủ động có khả năng đặt giá trị lên trên cảm xúc. Họ được thúc đẩy bởi các giá trị đã được tư duy, suy nghĩ chín chắn, thấu đáo, có chọn lọc. Còn những người thụ động thường bị ảnh hưởng bởi những xúc cảm, luôn chịu sự chi phối từ điều kiện và môi trường sống. Tất nhiên, người có thói quen chủ động cũng chịu ảnh hưởng của những tác động từ bên ngoài, nhưng phản ứng của họ luôn là sự lựa chọn dựa trên cơ sở giá trị. Chính vì vậy, thái độ của người chủ động đối với sai lầm là thừa nhận ngay sai lầm đó để sửa chữa và rút ra bài học cần thiết. Họ quan niệm “thắng lợi nằm ở bên kia của thất bại”. 

Các nhà quản lý cần nhận thức được rằng: có hai phương pháp để làm chủ cuộc sống. Một là, đưa ra lời hứa và giữ lời hứa. Hai là, đặt ra một mục tiêu và phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Bởi vậy, khả năng đưa ra và thực hiện các cam kết đối với bản thân được coi là yếu tố cốt lõi nhất của quá trình xây dựng các thói quen cơ bản nói chung, thói quen chủ động đối với công việc nói riêng đảm bảo cho sự thành đạt. Người quản lý tốt luôn có tầm nhìn rõ ràng về một tương lai mong muốn và có kế hoạch cụ thể để đạt được mục đích đặt ra với phương châm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”.

Người quản lý nào cũng vậy, thường xuyên phải đối mặt với thưc tế cho dù nó thuận lợi hay khó khăn. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ tư tưởng của con người quản lý khi gặp sự cố đó sẽ như thế nào? Tìm mọi cách để vượt qua hay bó tay, chùn bước. Đành rằng giải pháp thì có nhiều, khả năng của mỗi người quản lý thì có hạn, nhưng không vì thế mà khi gặp vướng mắc đã vội đầu hàng. Mỗi khi đối mặt với một vấn đề tưởng chừng không thể giải quyết được, người quản lý cần cư xử theo phương châm: tìm mọi khả năng có thể. Tức là khi bản thân đã nỗ lực tới mức cao nhất mà vẫn chưa tìm được giải pháp tháo gỡ thì hãy tận dụng sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp. Hy vọng rằng trong số đó sẽ có người tìm ra điều có thể trong cái không thể để giải thoát giúp họ. Chính vì thế, trong tư duy của người quản lý thời đại công nghệ số cần loại trừ cụm từ “không thể” ra khỏi quan điểm hành động của mình trong cuộc sống. Phải có thái độ sẵn sàng đối mặt với khó khăn vì muốn tạo ra sự thay đổi, để vượt ra khỏi sự quen thuộc thì cần tự tạo ra thử thách cho mình.

Trong tư duy của người quản lý thường xuất hiện một khoảng cách lớn giữa tầm nhìn và tình hình thực tại. Thừa nhận và sống chung với sự chênh lệch ấy, đối mặt với nó là nguồn gốc của sự quyết tâm và sáng tạo để tiến về phía trước. Để đạt được mục đích, người quản lý cần phải nuôi dưỡng cảm hứng của bản thân đối với mong muốn đã đặt ra. Tổng kết kinh nghiệm của các nhà khoa học cho thấy: khi người ta có cảm hứng về một mục đích cao cả nào đó thì tất cả suy nghĩ của con người sẽ có những bước đột phá. Tâm hồn sẽ trở nên sâu sắc, ý thức sẽ tinh tế hơn trong mọi khía cạnh và con người sẽ cảm thấy mình ở trong một trạng thái hào hứng, phấn khởi. Tất cả những thay đổi đó sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ giúp người quản lý có thêm sức mạnh tinh thần trong khi tìm kiếm các giải pháp thực hiện điều mong muốn.

Quả thực, khi có cảm hứng đích thực với công việc đang làm, người quản lý sẽ quên hết mệt mỏi về thể xác, lạc quan về tư tưởng, sáng suốt về trí tuệ, do đó, công việc được tiến hành một cách dễ dàng, không tốn kém nhiều về công sức. Làm việc với trạng thái tinh thần phấn khích vì cảm hứng, người quản lý sẽ kích hoạt được nguồn năng lượng vốn tiềm ẩn trong bản thân. Bởi vậy, bí quyết của sự thành công ở đây là phải tìm cảm hứng từ bên trong, chứ không phải ở bên ngoài. Chính vì lẽ đó, người ta có lý để nói rằng: con người sinh ra là để tìm xem mình phải làm gì và theo đuổi những công việc đó với niềm cảm hứng vô tận. Để đạt được điều mong muốn đã xác định trong tư duy, đó là một quá trình thực hiện một chuỗi các nhiệm vụ khác nhau. Đừng bao giờ hy vọng hoàn tất mọi việc một cách vội vàng, vì sự nôn nóng thường dẫn tới những sai sót không đáng có.

Trong tư duy, người quản lý cần có ý chí kiên nhẫn, sáng suốt thực hiện những bước đi vững chắc, bởi những việc làm có ý nghĩa cao cả không bao giờ sợ tốn thời gian. Nếu thiếu lòng kiên nhẫn, người quản lý sẽ nảy sinh trạng thái tâm lý căng thẳng, chán nản, bỏ việc giữa chừng không đi tới đích. Hãy hành động theo phương châm: “Với thời gian và lòng kiên nhẫn, lá dâu tằm trở thành áo lụa”. Trong tư duy, người quản lý cần hiểu rằng: khi con người sống có mục đích và biết nhìn vào bức tranh toàn cảnh của sự nghiệp, họ có thể dễ dàng từ bỏ việc tìm kiếm cho mình một giải pháp mang tính nhất thời, có thể tránh được những lợi ích nhỏ nhoi, tầm thường để vươn tới những kết quả to lớn hơn.

Tư duy quản lý trong thời đại công nghệ số còn được thể hiện ở chỗ người làm quản lý phải nhận thức được một cách sâu sắc rằng: Quản lý vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật. Điều này có nghĩa là người quản lý phải biết tiếp cận các thành tựu khoa học hiện đại để phát hiện các quy luật khách quan chi phối các sự vật và hiện tượng trong một đơn vị, tập thể nhất định, phải có sự hiểu biết rộng rãi về các ngành khoa học có liên quan đến con người và lĩnh vực hoạt động của bản thân. Ví dụ: điều khiển học, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học… Trong đó, chủ nghĩa Mác–Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là khoa học tổng quát nhất sẽ đóng vai trò then chốt của sự hình thành phương pháp luận trong hoạt động quản lý. Tính nghệ thuật trong công tác quản lý đòi hỏi người quản lý phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong đơn vị đối với sự tiếp cận các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, trên cơ sở đó tìm cách phát huy những ưu điểm, hạn chế những thiếu sót của họ.

Đổi mới là một cuộc cách mạng, một quá trình tìm tòi, khám phá và từng bước làm sáng tỏ con đường đi lên. Những thành tựu của hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định sự đúng đắn về chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, đến nay, chỉ so với các nước trong khu vực Đông Nam Á ta vẫn còn đi sau khá xa các nước: Singapo, Malaixia, Indonexia, Thái Lan. Đây là một hạn chế mà chúng ta cần sớm tìm ra giải pháp khắc phục. Trong cuộc gặp mặt các nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ờ nước ngoài về, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Không có đổi mới sáng tạo thì không thể phát triển được. Chính phủ đang xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 để sánh vai với các cường quốc về công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp để thúc đẩy việc hình thành trung tâm sáng tạo tại các khu công nghệ”. Phải chăng, một trong những lực lượng tiên phong triển khai thực hiện ý tưởng trên là đội ngũ các nhà quản lý từ cơ sở đến cấp cao trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Muốn vậy, họ cần tiếp cận phong cách tư duy thời công nghệ số với phương châm: ”Nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”./.

TS. Phạm Trung Thanh

(hết)

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Thể lệ Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023 - 2024(14/04/2024)
na Biểu trưng và tranh cổ động Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X(10/04/2024)
na Cuộc thi viết “Bác Hồ với Hải Dương, Hải Dương với Bác Hồ”: Không hạn chế đối tượng, số lượng tác phẩm tham gia (10/04/2024)
na Hải Dương rút kinh nghiệm tổ chức Đại hội điểm MTTQ cấp huyện(09/04/2024)
na Đại hội MTTQ Việt Nam huyện Kim Thành nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp(03/04/2024)
Các tin cũ hơn
na Khai giảng Lớp bồi dưỡng cán bộ dân vận xã, phường, thị trấn(10/09/2018)
na Tư duy quản lý thời đại công nghệ số (bài 1)(10/09/2018)
na Chủ tịch nước Trần Ðại Quang gửi thư chúc mừng năm học mới(05/09/2018)
na Người thầy và cuộc cách mạng 4.0(04/09/2018)
na Phát huy hào khí của Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2-9 để đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững(02/09/2018)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín