Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
4,030,597
Nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh
( Cập nhật:6/6/2023 11:58:05)

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 31/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tôn giáo nhận thức của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân về tôn giáo, công tác tôn giáo có chuyển biến rõ rệt…

 

Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng Đại đức Thích Thanh Tấn, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hải Dương nhân dịp Lễ Phật đản năm 2023 - Phật lịch 2567 (ảnh Báo Hải Dương)

Xác định công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là giải pháp quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chỉ thị số 29-CT/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tôn giáo, được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, thực hiện có hiệu quả - Đồng bào các tôn giáo tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn khởi trước những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước về tôn giáo.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật. Đa số chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch Covid-19, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo có sự phát triển về số lượng. Đến hết năm 2022, Hải Dương có 03 tôn giáo hoạt động hợp pháp là Phật giáo, Công giáo và Tin lành, trong đó Phật giáo có 1.032 cơ sở thờ tự, 534 tăng ni và trên 176.000 tín đồ; Công giáo có 02 Giáo hạt, 41 Giáo xứ, 81 Giáo họ, 129 nhà thờ và nhà nguyện, 33 linh mục chính xứ, 52 nữ tu và khoảng 41.000 giáo dân; Tin lành có 01 Chi Hội thánh Tin lành (CMA) trực thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc, có 29 điểm nhóm thuộc 13 hệ phái Tin Lành ở 12/12 huyện, thị xã, thành phố (có 06 điểm nhóm đã được chính quyền cơ sở cấp phép sinh hoạt tôn giáo tập trung); có 02 chức sắc (01 mục sư, 01 mục sư nhiệm chức) 07 chức việc và trên 1.700 tín hữu.

Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo các cấp được thành lập, kiện toàn và đi vào hoạt động có hiệu quả; phối hợp với các ngành chức năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp luật, hiến chương, điều lệ của Giáo hội đã được Nhà nước công nhận; thường xuyên tổ chức thăm và tặng quà các chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh nhân các dịp lễ trọng như Tết Nguyên đán, Đại lễ Phật đản, lễ Noel... Qua đó, động viên các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sống ”tốt đời, đẹp đạo”.

Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo được thực hiện theo đúng quy định. Ở cấp tỉnh: 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác tôn giáo; Sở Nội vụ phân công 01 đồng chí Phó Giám đốc phụ trách công tác tôn giáo, thành lập Phòng Tôn giáo trực thuộc. Ở cấp huyện: 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND cấp huyện phụ trách công tác tín ngưỡng, tôn giáo; Phòng Nội vụ 12 huyện, thị xã, thành phố phân công đồng chí Trưởng phòng hoặc đồng chí Phó trưởng phòng phụ trách công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Ở cấp xã: đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã phụ trách công tác tín ngưỡng, tôn giáo và 01 đồng chí công chức kiêm nhiệm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

Công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo và các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo được quan tâm thực hiện. Từ năm 2018 đến nay, Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức cho 2.550 lượt cán bộ công chức và các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo về Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Hàng năm, Trung tâm chính trị các huyện đều tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn, qua đó đã nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ về tôn giáo và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, hoạt động tôn giáo, đồng thời phát huy đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng lực lượng nòng cốt cho phong trào quần chúng ở địa phương được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt quan tâm. Khuyến khích, tạo điều kiện cho đồng bào tôn giáo tham gia tổ chức Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 937 đảng viên là người có tôn giáo; có 95 chức sắc, chức việc nhà tu hành tham gia Đại biểu HĐND 3 cấp (cấp tỉnh 3 đại biểu; cấp huyện 10 đại biểu; cấp xã 82 đại biểu); 340 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2019 – 2024; tham gia BCH các đoàn thể chính trị xã hội 3 cấp: Hội nông dân 43 vị; Hội LHPN 67 vị; Công đoàn 05 vị; Hội CCB 01 vị; Đoàn thanh niên 29 vị.

Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo được chính quyền cà các tổ chức tôn giáo quan tâm thực hiện. Tháng 7 năm 2018, toàn tỉnh có 38,4% số cơ sở tôn giáo hợp pháp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; đến hết tháng 12/2022, toàn tỉnh đã có 79,6% số cơ sở tôn giáo hợp pháp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.

Các tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể phát động; nhiều mô hình, điển hình, phong trào trong các tôn giáo được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội ghi nhận và đánh giá cao như: chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo hiến đất, ủng hộ vật chất, ngày công để làm đường giao thông và các cơ sở hạ tầng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; cùng nhân dân các địa phương tích cực tham gia xây dựng làng, khu dân cư văn hóa và các hoạt động từ thiện nhân đạo như ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Chương trình “Xuân ấm tình người”; Quỹ phòng chống dịch Covid-19… trị giá hàng tỷ đồng. Ngoài ra các tôn giáo còn góp phần gìn giữ, tôn tạo, tu bổ và phát huy các di tích cấp Quốc gia, cấp tỉnh; nhiều lễ hội truyền thống được duy trì và phát huy như: Lễ hội mùa Xuân, mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc, lễ hội chùa Thanh Mai (Chí Linh), chùa Trông (Ninh Giang), chùa Hào Xá, chùa Minh Khánh (Thanh Hà), chùa Giám (Cẩm Giàng), chùa Nhẫm Dương (Kinh Môn)…

Tuy nhiên, tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cơ sở trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng, sửa chữa công trình tôn giáo, thuyên chuyển, cư trú của chức sắc tôn giáo… còn buông lỏng. Công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới và các phong trào văn hóa xã hội còn hạn chế, vẫn còn chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo hoạt động trái phép trên địa bàn. Tình hình tôn giáo ở một số địa bàn còn nảy sinh và tiềm ẩn những vấn đề phức tạp.

Thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác tôn giáo như sau:

Một là: Tiếp tục quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW; Chỉ thị số 18-CT/TW; Chỉ thị số 29-CT/TU, ngày 31/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tôn giáo Luật tín ngưỡng, tôn giáo; các Nghị định của Chính phủ và văn bản của các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo để nâng cao nhận thức về tôn giáo, công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Hai là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tôn giáo; phối hợp trong trao đổi, nắm bắt tình hình, thống nhất trong tham mưu, đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan tới tôn giáo.

Ba là: Coi trọng công tác lựa chọn bồi dưỡng phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên là người có tôn giáo; đôn đốc các cấp, các ngành quan tâm kiện toàn, xây dựng cốt cán phong trào trong các tôn giáo; làm tốt công tác nắm tình hình, thường xuyên gặp mặt, thăm hỏi, động viên các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào có tôn giáo nhân các ngày lễ trọng của tôn giáo và ngày lễ lớn của đất nước; tranh thủ chức sắc, nhà tu hành, người có uy tín trong các tôn giáo để tuyên truyền, vận động, tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải quyết hiệu quả các vụ việc phát sinh có liên quan tới tôn giáo.

Bốn là: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo theo quy định của Pháp luật; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến tôn giáo trên địa bàn. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp; thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo hoạt động theo quy định của Pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo; chủ động nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh với việc lợi dụng tôn giáo để có các hoạt động vi phạm pháp luật; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các điểm, nhóm tín ngưỡng mang màu sắc tôn giáo, các hội nhóm, câu lạc bộ có liên quan đến tôn giáo hoạt động trái pháp luật, các hành vi kích động, chia rẽ tôn giáo làm phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Năm là: Các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo.

Sáu là: Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh; tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, công tác công tác tôn giáo tới đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Tăng cường vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”; thu hút động viên đông đảo quần chúng là người có tôn giáo tham gia sinh hoạt tại các tổ chức hội; thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hà Thế Quyền (Ban Dân vận Tỉnh ủy)

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Phật giáo tỉnh Hải Dương tổng kết khóa An cư Kiết hạ năm 2023(23/09/2023)
na Bình Giang phát triển đảng viên là người Công giáo(19/09/2023)
na Có cần phục dựng chùa Ngũ Đài, chùa Huyền Thiên?(19/06/2023)
Các tin cũ hơn
na Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh trao tiền hỗ trợ các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu có khó khăn trong cuộc sống(03/06/2023)
na Trang trọng Đại lễ Phật đản năm 2023 ở Hải Dương(28/05/2023)
na Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương chúc mừng chức sắc, tín đồ nhân Lễ Phật đản(27/05/2023)
na Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng chúc mừng Lễ Phật đản(23/05/2023)
na Hướng dẫn quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội(02/02/2023)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín