banner

Ban hành Quy chế công tác dân vận trong lực lượng Công an tỉnh

Đảng ủy Công an tỉnh vừa ban hành Quy chế công tác dân vận trong lực lượng Công an tỉnh.

Theo đó, Quy chế gồm 4 chương 15 điều quy định trách nhiệm, cơ chế, phương thức thực hiện công tác dân vận trong lực lượng Công an tỉnh. Quy chế được xây dựng trên cơ sở tiếp thu các nội dung của Quy chế công tác dân vận của Đảng ủy Công an Trung ương đồng thời bổ sung nhiều nội dung phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Chương I “Những quy định chung” gồm 3 điều. Quy định công tác dân vận được áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh; là toàn bộ hoạt động của lực lượng công an tiến hành vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an với nhân dân; xác định đây là việc làm thường xuyên của cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị và của từng đảng viên, cán bộ, chiến sĩ công an trong tỉnh; thường xuyên phối hợp với Ban Dân vận, Ủy ban MTTQ, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị được giao; đề cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương nhất là người đứng đầu trong học tập, làm theo, đạo đức, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Chương II “Nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận” gồm 2 điều.

Quy chế xác định 9 nội dung công tác dân vận: (1) Tham mưu thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và ban hành, thực hiện những quy định, quy chế, chương trình, kế hoạch về công tác vận động Nhân dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự. (2) Tuyên truyền, vận động đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, trật tự; tuyên truyền, vận động công dân tỉnh Hải Dương đang học tập, làm việc, sinh sống ở nước ngoài, lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, có cảm tình, yêu mến Việt Nam và tỉnh Hải Dương nhằm tổng hợp, phát huy mọi nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của tỉnh và góp phần thực hiện thắng lợi chính sách đổi ngoại của Đảng và Nhà nước. (3) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tỉnh thực hiện công tác dân vận, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự; tham gia xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. (4) Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; làm tốt công tác nắm tình hình Nhân dân, các hoạt động “đối ngoại Nhân dân”; “tự quản”, “hòa giải ở cộng đồng dân cư và thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân. (5) Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn; vận động, tập hợp Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tai tệ nạn xã hội; xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân”; củng cố vững chắc nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân. (6) Phát động, xây dựng và nhân rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của lực lượng Công an nhân dân. (7) Tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các chính sách dân tộc, tôn giáo và chính sách xã hội; thực hiện công tác từ thiện, giúp đỡ Nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; củng cố, tăng cường đoàn kết, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng Công an với Nhân dân. (8) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn công tác dân vận trong Công an tỉnh Hải Dương; tăng cường lực lượng hướng về cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác dân vận, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. (9) Tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng và tham gia ý kiến hoàn thiện lý luận về công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân.

Quy chế cũng đã xác định 7 phương thức thực hiện công tác dân vận: (1) Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an tỉnh, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. (2) Nắm tình hình, điều tra, xác định nội dung, lập kế hoạch, tiến hành tuyên truyền, vận động đối với đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân bằng các hình thức, biện pháp thiết thực, sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tế và nhiệm vụ chính trị của Công an đơn vị, địa phương. (3) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo về công tác dân vận của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và Tỉnh ủy, UBND tỉnh. (4) Phân công đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách công tác dân vận; Các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Công an tỉnh và Đảng ủy Công an huyện, thị xã, thành phố phân công một đồng chí trong cấp ủy, lãnh đạo đơn vị phụ trách công tác dân vận; phân công phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tham mưu, phụ trách, theo dõi về công tác dân vận của Đảng ủy Công an tỉnh; cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị, địa phương lựa chọn cán bộ, chiến sĩ theo dõi về công tác dân vận bảo đảm đủ số lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, uy tín, kinh nghiệm và tác phong quần chúng, công tâm, gần gũi với Nhân dân; được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng vận động quần chúng hằng năm. (5) Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả công tác dân vận. (6) Trong giải quyết tình huống phức tạp liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thiên tai, dịch bệnh: kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị liên quan làm tốt công tác vận động quần chúng sớm giải quyết, ổn định tình hình. (7) Các địa phương, đơn vị định kỳ báo cáo công tác dân vận hằng tháng, 03 tháng, 09 tháng và các báo cáo chuyên đề khác theo quy định.

Chương III “Trách nhiệm lãnh đạo, thực hiện công tác dân vận” gồm 8 điều: Quy định trách nhiệm, nhiệm vụ của Đảng ủy, Ban Giám đốc, các Chi, Đảng bộ trực thuộc, thủ trưởng các đơn vị thuộc Công an tỉnh; Đảng ủy, thủ trưởng Công an các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an tỉnh.

Chương IV “Tổ chức thực hiện” gồm 2 điều: Các chi, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Công an tỉnh, Đảng ủy Công an cấp huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Quy chế. Hàng năm có kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận để biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, kiểm điểm phê bình, kỷ luật những tổ chức, cá nhân phạm Quy chế. Phân công Phòng xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế và định kỳ báo cáo Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo quy định./.

Hà Thế Quyền (Ban Dân vận Tỉnh ủy)

Các tin khác