banner

Lễ hội lành mạnh, văn minh

Mùa lễ hội năm 2024 vừa bắt đầu đã mang đến cảm giác bình yên, thư thái, an toàn cho người đi trẩy hội khi những điểm “nóng” xa rời văn hóa, tranh giành giữa trốn linh thiêng ở một số nơi đã được thay đổi, phù hợp thuần phong mỹ tục.

 

Lễ hội làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang, Hải Dương) mùng 8 tháng giêng năm Giáp Thìn 2024

Với hàng nghìn lễ hội truyền thống diễn ra trong cả nước như suối nguồn được người dân đắm mình gìn giữ, phát huy để nhân lên phong tục đẹp, để dung dưỡng tâm hồn được lắng dịu, an bình trước cuộc sống còn nhiều bộn bề, lo toan.

Tại Hải Dương, tháng giêng, người dân nô nức trẩy hội, du xuân. Toàn tỉnh hiện có trên 800 lễ hội, trong đó có 8 lễ hội truyền thống đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, gồm các lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc (Chí Linh), đình Trịnh Xuyên (Ninh Giang), đền Quát (Gia Lộc), chùa Hào Xá (Thanh Hà), đền, đình Sượt (TP Hải Dương), đền Cao An Phụ (Kinh Môn), đền Tranh (Ninh Giang). Cấp tỉnh tổ chức lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc với 2 mùa lễ hội xuân, thu; cấp huyện tổ chức 10 lễ hội; còn lại do cấp xã tổ chức. Đại đa số các lễ hội được tổ chức vào 3 tháng mùa xuân, chỉ một số ít lễ hội được tổ chức vào thời gian nửa cuối trong năm.

Thời gian qua, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng ở Hải Dương đã tăng cường quản lý di tích, lễ hội, bảo đảm các nghi lễ được tổ chức trang trọng, cùng các hoạt động phần hội với trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ phong phú, sinh động, đã thể hiện được nét đẹp phong tục trong đời sống, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Nét mới là nhiều lễ hội truyền thống ở các địa phương được gắn với các nghệ thuật trình diễn, diễn xướng dân gian, tập quán xã hội mang đậm yếu tố đặc trưng của từng địa phương. Các lễ hội cấp tỉnh, huyện tổ chức gian hàng giới thiệu, trưng bày, sản phẩm nông nghiệp, OCOP, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tiêu biểu kích cầu tiêu dùng, quảng bá sản phẩm du lịch; phối hợp biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa xứ Đông như hát chèo, ca trù, hát văn, trống quân… Cùng với đổi mới hoạt động lễ hội là siết chặt quản lý, khắc phục những tồn tại như chèo kéo du khách xem bói, mua hàng, đốt nhiều vàng mã, thu vé xe không đúng quy định, bày tiền lẻ phục vụ du khách…

Tuy nhiên, để nhân lên những nét đẹp trong lễ hội, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền về bản sắc, giá trị văn hóa tinh thần của vùng đất lễ hội; điều chỉnh các loại hình dịch vụ cho phù hợp. Quyết liệt hơn nữa trong kiểm soát, xử lý hành vi “chặt chém”, an toàn vệ sinh thực phẩm; bói toán, rút thẻ; móc túi; người ăn xin xuất hiện trước cửa đền chùa; rác thải…

Mùa lễ hội 2024 đánh dấu lần đầu tiên "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành, triển khai thực hiện tại các địa phương nhằm hướng tới một mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh. Bộ tiêu chí này yêu cầu người đứng đầu cơ quan chức năng và địa phương bài trừ các nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn. Khi tổ chức các lễ hội cần ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi. Phát ấn cần đúng với nguồn gốc lịch sử của di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh…

Để góp phần giúp lễ hội ở Hải Dương văn minh, lành mạnh, như đại sứ vô hình quảng bá nét đẹp, hình ảnh, sản phẩm du lịch của mỗi địa phương, vùng đất tới bạn bè, du khách gần xa thì mỗi người trong chúng ta cần phải thực hiện tốt các quy định tại lễ hội khi du xuân.

Theo Báo Hải Dương

Các tin khác