Những nội dung giám sát, phản biện xã hội trọng tâm của MTTQ các cấp trong tỉnh năm 2024
Những năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trong tỉnh có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực...
Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với 2 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Năm 2023, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức giám sát 267 cuộc (trong đó cấp tỉnh 24 cuộc, cấp huyện 39 cuộc, cấp xã 204 cuộc). Tổ chức 15 hội nghị phản biện đối với dự thảo nghị quyết của HĐND, dự thảo quyết định của UBND các cấp (trong đó Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 02 hội nghị, 3/12 huyện, thành phố tổ chức 3 hội nghị, cấp xã tổ chức 10 hội nghị). Từ năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội tại kỳ họp giữa năm và kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh khóa XVII theo chỉ đạo của Tỉnh ủy để HĐND tỉnh thảo luận, yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết các kiến nghị của Mặt trận. Năm 2024, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục bám sát vào các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh như: Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 25/02/2014 của Tỉnh uỷ về lãnh đạo triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội; Chương trình giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để xây dựng chương trình giám sát và phản biện xã hội. Trong đó: Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện giám sát 4 chuyên đề: (1) Giám sát việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 (giám sát từ 5-10 đại biểu thuộc các nhóm cơ cấu trong HĐND tỉnh, thực hiện trong quý I, quý II/2024). (2) Giám sát trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện và xã trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quyết định 124-QĐ/TW ngày 02/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (giám sát từ 2 - 4 đơn vị cấp huyện và 2 - 4 đơn vị cấp xã, thực hiện trong quý I, quý II/2024). (3) Giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương (giám sát từ 2 - 4 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và 2 - 4 cơ quan, đơn vị cấp huyện, thực hiện trong quý III, quý IV/2024). (4) Giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo (giám sát từ 1 - 2 vụ việc cụ thể, thực hiện trong quý III, quý IV/2024). Ủy ban MTTQ huyện Tứ Kỳ giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đối với Chủ tịch UBND các xã Chí Minh, Nguyên Giáp và thị trấn Tứ Kỳ Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, mỗi đơn vị thực hiện giám sát từ 2 đến 5 chuyên đề, trong đó tập trung giám sát các nội dung theo chương trình chỉ đạo của Trung ương là giám sát trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quyết định 124-QĐ/TW ngày 02/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo theo Chương trình phối hợp số 02/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ngoài ra căn cứ vào tình hình thực thế của địa phương, Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố thực hiện giám sát các nội dung: Thực hiện chương trình hành động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026; thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; việc phân bổ ngân sách cho hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; giám sát thực hiện kết luận sau hội nghị tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; giám sát việc chấp hành Luật đất đai trong việc ngăn chặn xử lý vi phạm đất đai, hành làng giao thông, công trình thủy lợi; giám sát việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở... Ủy ban MTTQ cấp xã, mỗi đơn vị tổ chức giám sát ít nhất 01 chuyên đề về các nội dung: Giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quyết định 124-QĐ/TW ngày 02/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; giám sát một số vụ việc khiếu nại tố cáo theo Chương trình phối hợp số 02/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018; giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2021-2026 hoặc lựa chọn những vấn đề cấp thiết liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Về hoạt động phản biện xã hội, căn cứ chương trình làm việc của cấp ủy, chính quyền; chương trình, nội dung chuẩn bị cho kỳ họp của Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị phản biện từ 2 đến 4 dự thảo văn bản; Ủy ban MTTQ cấp huyện, mỗi đơn vị chủ trì phản biện từ 1 đến 2 dự thảo văn bản thuộc thẩm quyền địa phương; cấp xã căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương lựa chọn phản biện xã hội cho phù hợp. Minh Huệ tổng hợp