Phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành với hội viên làm giàu chính đáng
Hiện nay Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 104,23 tỷ đồng, cho 3.150 hộ vay (tăng 8 tỷ đồng so với cuối năm 2023)…
Đồng chí Trịnh Văn Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao giải nhất cho thí sinh đơn vị huyện Gia Lộc
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có trên 392.197 hội viên nông dân. Có 12/12 huyện, thị, thành Hội; 212/229 cơ sở, 1.253/1.263 chi Hội đạt vững mạnh.
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã chủ động, phối hợp tổ chức triển khai, tăng cường các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ và đồng hành với hội viên, nông dân phát triển sản xuất, qua đó giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Xác định vốn vay là động lực quan trọng để hội viên phát triển kinh tế, HND tỉnh đã tích cực chỉ đạo HND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao nhận thức, tăng cường vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). HND tỉnh đã chỉ đạo HND các cấp trong tỉnh tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng, triển khai hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân đảm bảo chất lượng và đạt chỉ tiêu kế hoạch; hướng dẫn các hộ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đến nay, Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 104,23 tỷ đồng cho 3.150 hộ vay (tăng 8 tỷ đồng so với cuối năm 2023). Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn tín chấp cho 32.543 hộ hội viên nông dân vay phát triển sản xuất kinh doanh với tổng dư nợ 3.156,4 tỷ đồng, góp phần đa dạng hóa các kênh vay vốn, giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thúc đẩy sản xuất.
Nhằm tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng, tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh cho nông dân, các cấp HND trong tỉnh đã chủ trì và phối hợp tổ chức 1.157 buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 74.669 lượt hội viên. Tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa nông sản đặc thù theo quy hoạch vùng sản xuất tại địa phương, làm cơ sở định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, giá trị và chất lượng cao, đoàn kết giúp nhau trong sản xuất và giảm nghèo bền vững. Tổ chức 22 buổi tuyên truyền về phòng chống lừa đảo trên không gian mạng cho trên 3.000 hội viên, nông dân về hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng, sử dụng các trang mạng xã hội an toàn, sử dụng Nền tảng số Nông dân Việt Nam, phòng chống lửa đảo trên không gian mạng. Hướng dẫn hội viên nông dân trong việc tạo tài khoản, viết bài, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; sử dụng phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch điện tử; tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu truy suất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin truy suất nguồn gốc sử dụng mã QR-code, minh bạch đến người tiêu dùng. Năm 2024, các cấp Hội đã vận động hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới 37 mô hình phát triển kinh tế (04 Hợp tác xã, 13 tổ hợp tác, 20 mô hình tổ nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản); thành lập mới 24 chi HND nghề nghiệp và 82 tổ HND nghề nghiệp, nâng tổng số chi HND nghề nghiệp toàn tỉnh là 121 chi với 3.832 hội viên và 378 tổ HND nghề nghiệp với 6.090 hội viên.
Cùng với đó, HND các cấp phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên nông dân. Các cấp hội còn tập trung tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp; chú trọng áp dụng công nghệ, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu vào sản xuất diện rộng; sản xuất theo hướng liên kết; đã phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào cho hội viên, nông dân với 2.413 tấn phân bón trả chậm, 1.656 tấn thức ăn chăn nuôi, 58,8 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 25.446 cây giống các loại, 12 máy nông nghiệp và kết nối, hỗ trợ tiêu thụ 424,3 tấn nông sản cho nông dân. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển, tuyên truyền rộng rãi nội dung, cách thức xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm đến các đơn vị sản xuất, hộ sản xuất có sản phẩm OCOP, tổ chức gian hàng giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương...
Từ các hoạt động tư vấn, hỗ trợ và đồng hành với hội viên nông dân đã góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Năm 2024, toàn tỉnh có 176.154 hộ nông dân đăng ký trở thành hộ SXKD giỏi 4 cấp (đạt 67,2% so với hộ nông dân); cuối năm bình xét có 122.681 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi 4 cấp (đạt 69,6 % so với hộ đăng ký). Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên bằng nhiều hình thức như: xây tặng nhà “Mái ấm nông dân”; hỗ trợ giống, vốn, ngày công, kinh nghiệm sản xuất, tạo việc làm, từ đó đã vận động hỗ trợ, giúp đỡ 359 hộ thoát nghèo.
Thời gian tới, HND các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào nhằm khơi dậy động lực, thu hút hội viên vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao; sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, các mô hình kinh tế tập thể, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai tốt các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào chất lượng cao trong nông nghiệp. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, đào tạo nghề, đào tạo đội ngũ quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo việc làm giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; kết nối tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thị Quyên (Ban Dân vận Tỉnh ủy)