Toàn văn báo cáo tình hình tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh
Sáng 09/12, tại Kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo tình hình tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong tỉnh tại Kỳ họp thứ 28.
Ban Biên tập trân trọng đăng toàn văn báo cáo.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trình bày báo cáo tại kỳ họp (ảnh Báo Hải Dương)
I. TÌNH HÌNH TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
Tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân cơ bản ổn định, đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và của cấp ủy chính quyền các cấp; tích cực thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Việc chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, đối tượng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị quan tâm tổ chức thực hiện chu đáo. Cán bộ, đảng viên đồng tình cao việc Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp thường lệ, kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự… Đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền trong việc khắc phục hậu quả do cơn bão số 03 (Yagi) gây ra; ủng hộ việc huy động xã hội hóa để xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chủ trương của Đảng, phát động của Thủ trướng Chính phủ và MTTQ Việt Nam.
Nhân dân vui mừng phấn khởi vì từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tăng lương thông qua việc điều chỉnh lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Cùng với đó, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng sẽ được tăng thêm 15%. Đây là các mức tăng cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác.
Dư luận nhân dân quan tâm theo dõi kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến 13 dự án luật, trong đó có rất nhiều dự án luật được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Đặc biệt, tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thực hiện công tác nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước. Cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn đồng chí tân Chủ tịch nước cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành đất nước ta thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; mong muốn Chính phủ có các biện pháp linh hoạt, hiệu quả hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động; các vị đại biểu Quốc hội chủ động, tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm trong từng nội dung, đưa ra các vấn đề thảo luận, xem xét thực sự khách quan, toàn diện, trọng tâm, thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước theo dõi thành công của Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ X. Nhân dân vui mừng, phấn khởi về các thành tích nổi bật của MTTQ Việt Nam cũng như MTTQ các cấp nhiệm kỳ vừa qua. Đại hội MTTQ Việt Nam đã hiệp thương cử ra lớp cán bộ đủ đức, đủ tài để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp. Nhân dân kỳ vọng hệ thống MTTQ Việt Nam ngày càng vững mạnh, tiếp tục đề xuất với Đảng, chính quyền có nhiều cơ chế quan tâm nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là người yếu thế, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng tình, ủng hộ Đảng và Nhà nước đã kịp thời xử lý những cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm. Đồng thời, mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp hiệu quả, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm những đối tượng đăng tải, cung cấp các thông tin “thất thiệt”, “xấu độc” ảnh hưởng đến kết quả chung đã đạt được.
Công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện, quyết tâm cải thiện mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến được doanh nghiệp và nhân dân đánh giá cao.
Dư luận nhân dân đánh giá cao công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của công dân ở nhiều địa phương sau giám sát của Quốc hội, MTTQ Việt Nam và Hội đồng nhân dân các cấp đã có chuyển biến hơn, tỷ lệ giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại đạt kết quả khá cao. Việc bầu cử Trưởng thôn nhiệm kỳ 2024-2027 theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định 59 của Chính phủ, được nhân dân đánh giá cao vì đảm bảo dân chủ, khách quan. Tuy nhiên việc bầu cử theo hình thức này có một số khó khăn như: thời gian tổ chức Hội nghị được ấn định, số cử tri tham dự hội nghị phải đạt trên 50%. Do đó, các thôn, khu dân cư cần tăng cường cơ sở vật chất như: nhà bạt, bàn ghế (do hầu hết các nhà văn hóa thôn, khu dân cư đều có diện tích nhỏ).
Cử tri và nhân dân đồng tình với chủ trương của ngành giáo dục và đào tạo trong việc đảm bảo an toàn cho các thí sinh khi diễn ra kỳ thi vào trung học phổ thông năm học 2024-2025. Được nhân dân đánh giá là nghiêm túc, kết quả của kỳ thi được thông báo công khai, minh bạch. Các trường THPT đã cho học sinh đăng ký tổ hợp môn học tự chọn và tuyển sinh bổ sung những trường hợp học sinh trúng tuyển không nhập học. Tuy nhiên, nhiều học sinh lúng túng trong việc lựa chọn tổ hợp môn học tự chọn. Đề nghị nhà trường hướng dẫn, tư vấn kỹ càng, cụ thể hơn.
Ngay những ngày đầu năm học mới 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm hiện đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các phụ huynh, học sinh. Nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng đây là nhu cầu tất yếu, xuất phát từ chính bản thân học sinh nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao kiến thức và cũng phản ánh quy luật cung - cầu trong xã hội. Việc học sinh có nhu cầu bổ sung kiến thức ngoài giờ học chính khóa không phải là điều đáng chê trách. Đặc biệt, ở các bậc học cao hơn, nhu cầu học thêm xuất hiện nhiều hơn do áp lực từ các kỳ thi và mong muốn nâng cao năng lực cá nhân. Do đó, việc dạy thêm, được xem là cần thiết để đáp ứng những mong muốn chính đáng này, nhưng vẫn còn những ý kiến trái chiều cho thấy việc dạy thêm, học thêm vẫn chưa thực sự trở thành công cụ giáo dục để mọi nhà yên tâm, cần tới những giải pháp đi từ thực tế để đưa hoạt động này được minh bạch, giữ uy tín cho giáo viên, chất lượng cho học sinh.
Dư luận đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; mong Bộ Y tế đánh giá đầy đủ, toàn diện về công tác tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; ngành Y tế cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội rà soát, xem xét, sửa đổi, bổ sung về cơ chế chính sách, giải quyết những bất cập, vướng mắc giữa ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội để tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh. Hiện nay điều kiện khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã rất thô sơ, lạc hậu, còn tình trạng thiếu thuốc điều trị… Đề nghị HĐND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế có kế hoạch cung ứng thuốc kịp thời để phục vụ nhân dân. Để giảm tải cho tuyến trên, nhân dân mong muốn UBND tỉnh và Sở Y tế đầu tư một số máy móc hiện đại cho các trạm y tế tuyến xã, để người dân được thăm khám thường xuyên, với chất lượng cao và chữa trị kịp thời... từ đó khích lệ người dân hăng hái mua bảo hiểm y tế.
Nhân dân đồng tình với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ thu gom rác thải; tích cực triển khai phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước vẫn chưa được khắc phục triệt để, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và canh tác nông nghiệp, nhất là ô nhiễm do rác thải sinh hoạt và chăn nuôi ở nông thôn, hoạt động của các làng nghề, khu cụm công nghiệp; hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên sử dụng hóa chất.... Nhân dân kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đưa ra những giải pháp hữu hiệu, từng bước cải thiện chất lượng môi trường và tiến tới có giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ các khu cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các khu xử lý rác thải, bãi chôn lấp, các nguồn thải lớn có xả thải ra các lưu vực sông; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động. Tổ chức thanh tra theo vùng để nắm bắt và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khí hậu và hiện trạng chất thải của nước ta.
Nhân dân đồng thuận và đánh giá cao việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, góp phần vào việc giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự ngay tại địa bàn thôn, khu dân cư; việc triển khai tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; việc triển khai thực hiện kế hoạch của Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an), từ ngày 1/10, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Theo đó, cảnh sát giao thông toàn tỉnh tập trung kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh, đặc biệt học sinh THCS và THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện, phụ huynh chở học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt… Nhân dân đề nghị cơ quan công an cần tăng cường kiểm tra đối với đối tượng trẻ vị thành niên điều khiển xe máy, xe máy điện, tụ tập vi phạm trật tự an toàn giao thông.
II. NHỮNG Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN
1. Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
- Cử tri và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phản ánh và đề nghị tỉnh quan tâm có nhiều hơn các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị nông sản địa phương; hỗ trợ nguồn lực để các địa phương triển khai xây dựng mô hình nông thôn thông minh, nông thôn mới nâng cao; tiếp tục hỗ trợ thuốc diệt chuột kịp thời ngay từ đầu vụ gieo cấy cho các địa phương.
- Cử tri và nhân dân đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê, kè, công trình thủy lợi bị sự cố, hư hỏng do bão số 3 và mưa lũ gây ra; hỗ trợ các địa phương nạo vét hệ thống kênh, mương, hồ đập giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống gập úng; tăng mức hỗ trợ cấp bù thủy lợi phí cho HTX dịch vụ nông nghiệp; hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
2. Về chế độ, chính sách xã hội
- Cử tri và nhân dân các địa phương tiếp tục phản ánh và đề nghị tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; xem xét điều tiết tăng tỷ lệ % nguồn thu từ tiền bán đất đấu thầu trong giai đoạn 2023-2025 cho cấp xã, cấp huyện theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND, ngày 29/10/2021 của HĐND tỉnh và có cơ chế tạo nguồn lực để các xã phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
- Cử tri và nhân dân các địa phương tiếp tục đề nghị tỉnh quan tâm chế đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở, cán bộ thôn, khu dân cư; chế phụ cấp đối với chức danh Trưởng ban Thanh tra nhân dân, chức danh Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu giáo chức, Hội Luật gia ở cơ sở; hỗ trợ cơ sở vật chất và giải quyết kịp thời chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; quan tâm chế độ, chính sách lực lượng TNXP tham gia khắc phục chiến tranh, xây dựng kinh tế sau năm 1975.
3. Về tài nguyên, môi trường
- Cử tri và nhân dân các địa phương tiếp tục phản ánh và kiến nghị với tỉnh chỉ đạo tăng cường quản lý tài nguyên đất đai, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp, đổi giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp cho nhân dân tại các địa phương; tăng cường kiểm tra, xử lý, thu hồi đất đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng đất không đúng mục đích gây bức xúc trong nhân dân.
- Cử tri và nhân dân các địa phương phản ánh và đề nghị tỉnh chỉ đạo có giải pháp hiệu quả giải quyết tình trạng quá tải chất thải rắn tại các điểm tập kết rác thải khu vực nông thôn, đô thị; thu hút đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý rác thải tập trung; nâng công suất các nhà máy thu gom, xử lý rác thải hiện có trên địa bàn; chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Cử tri và nhân dân huyện Gia Lộc đề nghị tỉnh chỉ đạo có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm tuyến sông đoạn từ phường Thạch Khôi, thành phố Hải Dương đến xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc. Cử tri và nhân dân huyện Bình Giang phản ánh sông Cửu An qua địa bàn xã Thúc Kháng bị ô nhiễm rất nặng do tình trạng xả thải của các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
4. Về y tế, giáo dục
- Cử tri và nhân dân các địa phương tiếp tục phản ánh và đề nghị tỉnh hỗ trợ các địa phương đầu tư nâng cấp, xây mới phòng học các bậc học đáp ứng nhu cầu của nhân dân; chỉ đạo ban hành sớm kế hoạch, giao tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào khối 10, bậc trung học phổ thông hệ công lập trên địa bàn tỉnh năm 2025.
- Cử tri và nhân dân các địa phương đề nghị tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; quan tâm đào tạo bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực, từng bước chuẩn hóa mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp gây khó khăn cho người khám chữa bệnh chuyển lên tuyến trên, việc khám chữa bệnh bằng BHYT; quan tâm chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên ngành y tế ở các tuyến.
5. Về giao thông, xây dựng
- Cử tri và nhân dân các địa phương phản ánh và đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các địa phương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để hoàn thiện cơ sở hạ tầng; thiết chế văn hóa, hệ thống truyền thanh… tạo thuận lợi cho người dân khi đơn vi hành chính mới đi vào hoạt động.
- Cử tri và nhân dân huyện Kim Thành đề nghị tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng tượng đài "Tiếng sấm đường 5"; lắp đèn tín hiệu giao thông tại ngã ba ga Phạm Xá, xã Tuấn Việt. Cử tri và nhân dân thị xã Kinh Môn đề nghị lắp hệ thống đèn cảnh báo thuộc ngã tư phường An Lưu. Cử tri thành phố Chí Linh đề nghị lắp đèn cảnh báo, gờ giảm tốc trên các tuyến đường tỉnh lộ 185, 186 đoạn qua địa bàn xã Lê Lợi. Cử tri thành phố Hải Dương đề nghị thắp đèn chiếu sáng Quốc lộ 38B để thuận tiện cho việc đi lại của người dân, đảm bảo an toàn giao thông.
6. Một số vấn đề khác
Cử tri và nhân dân các địa phương đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường quản lý, phân luồng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân nhất là vụ việc tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai tại các địa phương. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân...
Trên đây là tổng hợp tình hình tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong tỉnh 6 tháng cuối năm 2024. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đề nghị HĐND và UBND tỉnh sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết các ý kiến, kiến nghị nêu trên theo thẩm quyền.