banner

Vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào thực tiễn cuộc sống

Ngày 10/11/2022, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, đây là bộ luật ban hành thay thế Pháp lệnh thực hiện Dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản hướng dẫn. Một văn bản pháp luật khá toàn diện về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Nhiều hộ dân hiến đất để nâng cấp tuyến đường thôn Đông, xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành

"Sự kiện Thái Bình" năm 1997 đã bộc lộ một hiện tượng xã hội, đó là sự mất dân chủ ở cơ sở. Sau khi Bộ chính trị chỉ đạo sát sao quyết liệt, vấn đề Thái Bình được giải quyết, tình hình chính trị, xã hội được ổn định trở lại. Đây là một trong những yếu tố để hình thành pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Ngay sau đó, ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, ngày 11/5/1998 Chính phủ đã ban hành Nghị định số  29/1998/NĐ-CP về Quy chế dân chủ ở cấp xã; ngày 08 tháng 9 năm 1998, ban hành Nghị định số 71/1998/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan,... Đến ngày 20/4/2007, Quốc hội thông qua Pháp lệnh số 34/2000, về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; đến ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Một văn bản pháp luật khá toàn diện về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

thể thấy, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề dân chủ ở cơ sở được đặc biệt quan tâm từ ban hành thể chế đến chỉ đạo thực hiện, đặc biệt thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bao quát, đồng bộ

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành là cơ sở vững chắc cho thực hành phát huy rộng rãi dân chủ, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân tiếp tục khẳng định góp phần thực hiện tốt hơn, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” (Luật gồm 6 chương với 91 điều, so với Pháp lệnh số 34, cũng 6 chương, nhưng chỉ 28 điều).

Tính đồng bộ, bao quát của Luật (mới) so với Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn các Nghị định của chính phủ về dân chủ ở cơ sở (trước đây), thể hiện ở các nội dung, như:

Phạm vi điều chỉnh bao quát việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập các tổ chức có sử dụng lao động; các nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định cụ thể, chặt chẽ hơn; phạm vi thực hiện dân chủ được mở rộng đối với mọi công dân ở xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi cư trú và công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác.

Quyền nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ được quy định cụ thể, chặt chẽ ở 4 quyền và 5 nghĩa vụ của công dân; các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ cũng được quy định cụ thể chế tài xử lý nghiêm minh, từ xử phạt hành chính, kỷ luật cán bộ công chức, đến truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường. Quy định về công khai thông tin, hình thức, thời điểm công khai được bổ sung cụ thể hơn.

Những nội dung Nhân dân bàn quyết định được cụ thể, chi tiết hơn; Pháp lệnh 34 không quy định nội dung, hình thức ban hành của quyết định cộng đồng dân cư, nhưng Luật đã quy định cụ thể nội dung, hình thức của quyết định cộng đồng dân cư, hiệu lực của quyết định cộng đồng dân cư; những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định Luật kế thừa 5 nhóm vấn đề của Pháp lệnh còn bổ sung thêm 04 nội dung mới; hình thức để nhân dân tham gia ý kiến, ngoài 03 hình thức Pháp lệnh quy định, Luật còn bổ sung các hình thức tham gia ý kiến đa dạng hơn, như: qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; thông qua mạng viễn thông, mạng hội hoạt động hợp pháp; trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia ý kiến được bổ sung quy định chặt chẽ (Pháp lệnh không quy định trách nhiệm của nhân dân).

Những nội dung Nhân dân kiểm tra, giám sát, Pháp lệnh chỉ quy định Nhân dân giám sát không đề cập đến việc kiểm tra, Luật đã bổ sung nội dung kiểm tra và quy định Công dân kiểm tra việc thực hiện các nội dung mà Nhân dân đã bàn quyết định. Hình thức kiểm tra, giám sát đa dạng hơn: việc kiểm tra, giám sát của Nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam cấp xã, thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các tổ chức tự quản khác.

Một số nội dung mới được bổ sung, như: hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp với Nhân dân để phù hợp với Điều 125, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được đưa vào Luật, trước đây hoạt động này được quy định trong Luật Thanh tra, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được quy định tại Luật Đầu tư công.

 

Bê tông hóa đường giao thông đáp ứng tiêu chí nông thôn mới nâng cao tại xã Lê Ninh, thị xã Kinh Môn

Vai trò của MTTQ Việt Nam để Luật thực sự đi vào cuộc sống

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở phạm vi điều chỉnh rất rộng, Điều 2, Luật này quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và chính quyền các cấp nhất là chính quyền cơ sở được quy định rất rõ ràng, cụ thể trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam cấp xã trong việc tổ chức để Nhân dân ở cơ sở thực hiện dân chủ và quyền làm chủ đã được quy định cụ thể, chi tiết trong Luật; trách nhiệm tổ chức hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng:

- Điều 40, khoản 2, quy định trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã với Thanh tra nhân dân: "a) Hướng dẫn việc tổ chức hội nghị của cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố để bầu hoặc cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân; b) Công nhận kết quả bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân; tổ chức cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân để bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban ...; c) Hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; xem xét báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; tham gia hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân khi xét thấy cần thiết; d) Xác nhận biên bản, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân; đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân; đ) Động viên Nhân dân ở địa phương ủng hộ, phối hợp, tích cực hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; e) Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước...".

- Điều 45, khoản 1 quy đinh trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đối với hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng: "a) Chủ trì việc thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án...; b) Thông báo cho chủ chương trình, chủ đầu tư, ban quản lý chương trình, dự án về kế hoạch giám sát và thành phần Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ...; c) Hướng dẫn Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; hỗ trợ Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng...; d) Xác nhận văn bản kiến nghị, phản ánh của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng...; đ) Động viên Nhân dân ở địa phương tích cực tham gia kiểm tra, giám sát tại cộng đồng và ủng hộ, hỗ trợ hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; e) Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng".

Đề thực hiện trách nhiệm của MTTQ Việt Nam quy định trong Luật, sớm đưa Luật đi vào thực tiễn cuộc sống một cách thực sự có hiệu lực, hiệu quả, Ủy ban MTTQ các cấp cần thực hiện một số nội dung: Thứ nhất, quán triệt, tuyên truyền sâu, rộng nội dung của Luật đến các đối tượng liên quan, nhất người dân ở cơ sở; Thứ hai, tổ chức các lớp tập huấn cho MTTQ ở cơ sở nhằm nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ của MTTQ cơ sở; tập huấn định kỳ cho thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Thứ ba, MTTQ Việt Nam cấp xã hướng dẫn, tổ chức hoạt động của Thanh tra nhân dân và Giám sát đầu tư của cộng đồng, động viên Nhân dân thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm về thực hiện dân chủ ở cơ sở, tham gia tích cực các hoạt động giám sát của Thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng.

Có thể nói MTTQ Việt Nam các cấp có vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu lực, hiệu quả của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Lương Anh Tế

Các tin khác