Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
9,176,439
Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử (bài sáu)
( Cập nhật:29/8/2017 18:26:23)

Kỹ năng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân

 

Đồng chí  Vũ Văn Sơn, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh gặp gỡ, tiếp xúc cử tri huyện Gia Lộc

Tiếp xúc cử tri, tiếp công dân là hoạt động chủ yếu để thực hiện việc giữ mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri và nhân dân; thông qua hoạt động tiếp xúc, đại biểu sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị chính đáng của cử tri; những bức xúc từ nhân dân; đồng thời đại biểu có thêm nhiều thông tin từ thực tiễn phục vụ cho hoạt động của đại biểu.

Trách nhiệm pháp lý của đại biểu

Hiến pháp 2013, điều 115 quy định: “Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương”.

Trong Luật tổ chức chính quyền địa phương, khoản 2, điều 6: “Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình”; điều 94: “Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó"điều 95, quy định về trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân: “Đại biểu HĐND có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật; khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết; trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu HĐND có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu HĐND yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết”.

Hoạt động tiếp xúc cử tri

Mục đích tiếp xúc cử tri: để đại biểu tiếp thu nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; trao đổi, tuyên truyền, giải thích với cử tri những vấn đề cử tri quan tâm; phổ biến, giải thích, vận động thực hiện nghị quyết HĐND đã ban hành; báo cáo với cử tri về hoạt động của HĐND và của đại biểu.

Làm thế nào để tiếp xúc cử tri đạt hiệu quả, tránh lãng phí thời gian tiền bạc?

Thứ nhất, chọn hình thức, thời điểm tiếp xúc phù hợp. Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ quy định cụ thể về việc đại biểu tiếp xúc cử tri sau mỗi kỳ họp; như vậy, để thực hiện trách nhiệm của đại biểu là thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, thì chúng ta cần và nên sử dụng nhiều cách thức tiếp xúc phù hợp, hiệu quả, như: Tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp theo đơn vị bầu cử; tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc của đại biểu; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm; với các hình thức: tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri; gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với nhóm hoặc cá nhân cử tri, hoặc tiếp xúc qua gửi thư, email, website,... Tùy theo đối tượng và cách thức tiếp xúc để chọn thời điểm tiếp xúc phù hợp. Nhưng nên tránh tổ chức tiếp xúc ở khu vực nông thôn vào lúc mùa vụ, nông dân đang tập trung sản xuất; tránh tiếp xúc ở khu vực sản xuất công nghiệp vào ngày, giờ hành chính sẽ khó có cử tri tham dự. Tiếp xúc cử tri theo nhóm, theo chuyên đề nên để cử tri chủ động bố trí thời điểm thích hợp.

Thứ hai, nên phối hợp đại biểu nhiều cấp để tiếp xúc sẽ có diện tiếp xúc rộng, có nhiều cử tri tham dự; không nhất thiết  tổ chức hội nghị ở Hội trường xã mà có thể chia nhóm đại biểu xuống tiếp xúc tại nhà văn hóa các thôn, khu dân cư.

Thứ ba, nắm trước vấn đề của cử tri ở nơi tiếp xúc để dự kiến những bức xúc, kiến nghị của cử tri để bố trí mời lãnh đạo các cơ quan nhà nước cùng dự để giải trình, trả lời ý kiến cử tri, và chuẩn bị việc tiếp thu, giải trình.

Thứ tư, đại biểu cần thực hiện nguyên tắc "4T": Thời gian - Trí tuệ - Thân thiện - Tươm tất. Trong đó: Thời gian, là việc đại biểu đến nơi tiếp xúc đúng giờ, tốt nhất là đến sớm và không nên kéo dài thời gian tiếp xúc. Trí tuệ, đại biểu cần hiểu và nắm bắt các vấn đề kinh tế, xã hội, pháp luật,..; có đủ thông tin về tình hình nơi tiếp xúc; xử lý thông minh các tình huống xảy ra khi tiếp xúc; không nên hứa điều gì nếu không chắc chắn giải quyết được. Thân thiện, thăm hỏi cử tri, bằng lời chào hỏi ân cần, ánh mắt thân thiện, những cái bắt tay ấm cúng, âm lượng, giọng nói thể hiện sự thân thiện, tôn trọng... hoặc gặp gỡ trao đổi riêng khi vấn đề khó nói trước tập thể. Tươm tất, là việc sử dụng trang phục (quần áo, đầu tóc, giày dép,...) sao cho phù hợp với đối tượng tiếp xúc; giản dị, gọn gàng nhưng không luộm thuộm.

Thứ năm, những điều cần tránh khi tiếp xúc cử tri: không chú ý nghe, không làm việc riêng khi nghe cử tri nói (nghe điện thoại, đọc tài liệu, nói chuyện riêng, bỏ ra ngoài,...); không ghi chép ý kiến cử tri; không cắt ngang ý kiến, chỉ tranh luận khi thực sự cần thiết; không tóm tắt được ý kiến cử tri khi tiếp thu.

Tiếp công dân

Đối với đại biểu HĐND, tiếp công dân là hoạt động mới từ khi ban hành Luật tiếp công dân năm 2013 và quy định cụ thể tại nghị quyết số 759 của Ủy ban Thường vụ quốc hội; theo đó, HĐND và đại biểu HĐND các cấp có trách nhiệm tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Chủ tịch HĐND cấp xã có trách nhiệm tổ chức để đại biểu HĐND cùng cấp tiếp công dân. Đại biểu HĐND các cấp thực hiện việc tiếp công dân theo lịch tiếp công dân do Thường trực HĐND xây dựng và thông báo công khai.

Mục đích của tiếp công dân: để tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tuyên truyền, giải thích để công dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; bảo đảm quyền công dân, củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đặc điểm tiếp công dân: khác với tiếp xúc cử tri, tiếp công dân chủ yếu là những người đang bức xúc, căng thẳng, tâm trạng nóng nảy, thiếu bình tĩnh về những vấn đề khiếu nại, tố cáo. Người dân chủ động đề đạt, kiến nghị, phản ánh; nhiều người không phân biệt rõ giữa khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, hiểu biết về pháp luật hạn chế. Đại biểu phải tự mình xử lý mọi tình huống, giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tổ cáo. Có nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo nhiều lần, kéo dài; có những trường hợp lôi kéo số đông gây áp lực, thậm chí gây gổ với người tiếp.

Để tiếp công dân đạt hiệu quả (kinh nghiệm)

Nắm trước tình hình và dự kiến tình huống: Trước khi đến địa điểm tiếp dân, đại biểu cần tìm hiểu thông tin tại nơi tiếp, tại thời điểm xem có những vấn đề gì về khiếu nại, tố cáo, để dự kiến phương án xử lý.

Gây thiện cảm và sự tin tưởng: bằng thái độ quan tâm, chân thành và đồng cảm với những bức xúc và mong muốn của nhân dân. Tôn trọng và lắng nghe để người dân trình bày ý kiến của họ, người tiếp công dân không được ngắt lời mà phải kiên nhẫn, bình tĩnh lắng nghe. Hỗ trợ thêm thông tin khi người dân trình bày thiếu cơ sở, chưa thấu đáo, không đúng quy định của pháp luật…, trong quá trình giải thích, thuyết phục, lời lẽ phải dứt khoát, tự tin, kết hợp giữa đạo lý và pháp lý, giữa lý và tình để phân tích thuyết phục cho người nghe biết đúng sai, tốt xấu, lợi hại.

Nắm vững nguyên tắc và quy định pháp luật: Tiếp công dân là do cá nhân đại biểu tự xử lý mọi tình huống, vì thế đại biểu phải nắm chắc các nguyên tắc và các quy định pháp luật về tiếp công dân về khiếu nại, tố cáo để hướng dẫn, giải thích cho công dân thực hiện quyền của họ.

Giải thích chu đáo, hướng dẫn tận tình: kiên nhẫn giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ tận tình những người gặp khó khăn trong trình bày ý kiến; bình tĩnh, thuyết phục những trường hợp nóng nảy, quá khích./.

Lương Anh Tế

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Chuyển biến tích trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị tại Đảng ủy phường Phạm Ngũ Lão(26/11/2023)
na Phường Thanh Bình: Khéo dân vận – Chìa khóa của mọi thành công!(21/11/2023)
na Xã Nam Chính thực hiện hiệu quả công tác giám sát đầu tư của cộng đồng(05/04/2023)
na Gia đình bà Trịnh thực hiện vệ sinh yêu nước(15/02/2023)
na MTTQ xã An Thanh tuyên truyền vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nâng cao(30/12/2022)
Các tin cũ hơn
na Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử (bài năm)(28/08/2017)
na Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử (bài bốn)(26/08/2017)
na Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử (bài ba)(24/08/2017)
na Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử (bài 2)(23/08/2017)
na Góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử(22/08/2017)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín