Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
9,187,545
Nghĩ về đạo làm thầy
( Cập nhật:20/11/2018 12:10:57)

Trong truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta, nghề dạy học nói chung, người làm thầy nói riêng luôn luôn có một vị trí xứng đáng trong lòng quần chúng nhân dân và trong toàn xã hội...

 

Ảnh minh họa

Để gìn giữ và phát huy được niềm tự hào đó, nhất là trong giai đoạn hiện nay trước hết mỗi nhà giáo cần:

Thường xuyên có ý thức tiếp cận các quan điểm, lập trường tư tưởng, chính trị, phương pháp luận khoa học biện chứng của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Điều này đòi hỏi người thầy phải nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là giai đoạn hiện tại khi mà cả nước đã và đang tích cực thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Làm tốt việc đó được xem là kim chỉ nam dẫn đường cho quá trình hoạt động giáo dục của người thầy trong mọi lúc, mọi nơi. Vì nó là cơ sở lí luận cho người thầy trong khi xây dựng các mục tiêu phấn đấu, rèn luyện cả về đức lẫn tài, cả về chuyên môn và nghiệp vụ. Cuộc đời cống hiến của mỗi người thầy cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ được xem như một cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả trong đó lí tưởng cuộc sống, lí tưởng nghề nghiệp được coi là người dẫn đường, chỉ lối. Nếu không có người dẫn đường, không có mục tiêu phấn đấu cụ thể, chúng ta sẽ không hi vọng đạt được cái gì tốt đẹp. Dù trước mắt hay tương lai, dù ngắn hay dài, cuộc sống người thầy có trọn vẹn hay không là do lí tưởng sống quyết định. Vì "điều quan trọng không phải là vị trí ta đáng đứng mà là hướng ta đang đi". Sự nghiệp cao cả của mỗi người thầy đạt được đến mức độ nào, nhiều hay ít, rộng hay hẹp, xét cho cùng là người thầy có bản lĩnh chính trị và phương pháp luận khoa học vững vàng, sâu sắc như thế nào? Điều đó là do mỗi người thầy quyết định. 

Luôn luôn có ý thức quan tâm tôn trọng học sinh của mình

Học sinh là nhân vật trung tâm của nhà trường, là đối tượng của hoạt động giáo dục đào tạo, là những con người có một đời sống tâm lí rất đa dạng và phong phú, có tâm hồn trong sáng, lành mạnh, có thể chất khoẻ khoắn, dồi dào sức sống và điều quan trọng hơn, học sinh là một trong hai thành phần không thể thiếu trong hoạt động dạy học. Chính vì thế, nó đòi hỏi người thầy phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc một cách toàn diện đến đời sống tinh thần, trí tuệ của học sinh. Cần lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của mỗi học sinh, trên cơ sở đó mà lựa chọn những phương pháp giáo dục thích hợp. Sự quan tâm này không chỉ diễn ra trong ngày, trong tháng, trong năm mà nó đòi hỏi sự liên tục trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường của học sinh. Vì sản phẩm đào tạo của người thầy không phải là những vật phẩm cụ thể mang tính chất hàng hóa thông thường mà là một sản phẩm có tính tổng hợp, đó là nhân cách của con người bao gồm cả đức và tài.

Thế hệ học sinh trong các nhà trường hôm nay sẽ lần lượt là những chủ nhân của đất nước ngày mai. Các chủ nhân đó sẽ cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ non song gấm vóc đến mức độ nào điều đó tùy thuộc đáng kể vào công sức vun trồng chăm sóc của đội ngũ các thầy cô giáo trong các nhà trường hôm nay. Dấu ấn của các thầy cô với sự cống hiến hết mình cho các thế hệ học sinh sẽ được tâm trí các em mang theo suốt cuộc đời và được xem như một hành trang không thể thiếu. Khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” là một sự khái quát cô đọng tấm lòng quan tâm, tôn trọng học sinh của người thầy trong các cấp học khác nhau từ mầm non đến đại học.

Là người có sự nhất quán giữa lời nói và việc làm                         

Nghề dạy học là một trong những nghề luôn luôn có sự theo dõi, giám sát một cách khắt khe của các thế hệ học sinh dù là trực tiếp hay gián tiếp, dù ở bất kì đâu trong gia đình, nơi trường sở hay ngoài xã hội. Bởi vì, các em luôn coi thầy cô là những tấm gương mẫu mực về mọi mặt. Trong tâm trí của học sinh, các em thường tâm niệm phải nói theo thầy, làm theo thầy và ứng xử theo thầy, vì thế, trong mọi lời nói và hành động của thầy phải thể hiện tính chất “khuôn vàng thước ngọc”. Do đó, mỗi thầy cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, tự học, tự rèn và không ngừng sáng tạo. Chính vỉ thế dân gian mới có những câu ca: “Mấy ai là kẻ không thầy/ Thế gian thường nói đố mày làm nên”, “Con ơi nhớ lấy câu này/ Ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Đạo thầy nghĩa tớ”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”… Thông qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nhân dân ta đã để lại cho con cháu, bài học làm người là bài học không quên công ơn thầy cô giáo, một lòng một dạ tôn vinh giá trị cao đẹp của người thầy, khẳng định vị thế của người thầy trong nhân dân, trong cuộc sống càng làm hình ảnh người thầy lung linh hơn cao đẹp hơn.

Thường xuyên cập nhật những thông tin mới vào trong mỗi bài giảng của mình

Thầy giáo là chiếc mắt xích nối liền quá khứ với tương lai. Thiên chức của thầy giáo là đem đến cho thế hệ trẻ những tinh hoa của nền văn hóa nhân loại, những thành tựu mới nhất của nền văn minh. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kĩ thuật, công nghệ trong thời đại ngày nay đã làm cho nhiều khái niệm khoa học nhanh chóng bị lão hóa. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của người thầy là phải từng giờ, từng ngày tiếp cận những cái mới trong cuộc sống nói chung, nhất là trong lĩnh vực chuyên môn sâu của mình nói riêng, để kịp thời bổ sung vào bài giảng những điều cần thiết, tạo ra sự hứng thú học tập của học sinh trong mỗi ngày tới trường.

Là người có tâm huyết với nghề nghiệp

Tính đặc thù về đối tượng trong hoạt động nghề dạy học đòi hỏi người thầy phải có một tấm lòng yêu nghề tha thiết. Mối quan hệ giữa con người và nghề nghiệp ở đây có sự đan xen vào nhau, hỗ trợ cho nhau. Bài học thực tiễn đã chứng minh cho mọi người thấy, có rất nhiều người thầy bằng tất cả tấm lòng yêu nghề cháy bỏng của mình đã đem lại những thành công vô cùng to lớn trong sự nghiệp trồng người. Họ chính là những người đã chứng minh được chân lí “tình yêu tha thiết đối với công việc, là bí quyết của sự thành công”. /.

TS. Phạm Trung Thanh

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Nhớ nguồn cội, nghĩ đạo làm người(18/04/2024)
na Thể lệ Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023 - 2024(14/04/2024)
na Biểu trưng và tranh cổ động Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X(10/04/2024)
na Cuộc thi viết “Bác Hồ với Hải Dương, Hải Dương với Bác Hồ”: Không hạn chế đối tượng, số lượng tác phẩm tham gia (10/04/2024)
na Hải Dương rút kinh nghiệm tổ chức Đại hội điểm MTTQ cấp huyện(09/04/2024)
Các tin cũ hơn
na Vinh dự đi liền với trách nhiệm(20/11/2018)
na Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức giao ban báo chí tháng 10 năm 2018(08/11/2018)
na Giá trị của tầm nhìn chiến lược trong quản lý kinh doanh(03/11/2018)
na Hải Dương: Tổ chức đại hội điểm MTTQ Việt Nam cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2019 - 2024(25/10/2018)
na Tài liệu tuyên truyền Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX(24/10/2018)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín