Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
9,176,260
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp
( Cập nhật:18/7/2019 05:38:08)

Khi Đảng trao cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chính là quá trình hiện thực chủ trương xây dựng xã hội dân chủ, cũng là nhằm cụ thể hóa mối quan hệ: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ. Vấn đề đặt ra, làm sao MTTQ tổ chức thực hiện hoạt động này ngày càng hiệu quả...

 

Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát việc thu, chi, quản lý các khoản thu ngoài kinh phí ngân sách trong các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hải Dương

Có thể nó, từ khi Đảng trao cho Mặt trận thêm một chức năng mới - chức năng đại diện cho nhân dân, trong đó hoạt động giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ chủ yếu, nhiệm vụ chính trong việc thực hiện chức năng đại diện. Ở đó, Nhân dân đặt kỳ vọng vào tổ chức đại diện của mình, thông qua tổ chức đại diện để thực hiện quyền giám sát các cơ quan Đảng, Nhà nước, thực hiện quyền phản biện để tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành, thực thi chính sách bảo đảm phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

MTTQ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2014 - 2019 đã nắm bắt và kịp thời triển khai hoạt động giám sát và phản biện xã hội, bước đầu đi vào nề nếp. Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, một số nơi còn "e ngại" hoặc thiếu kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức hoạt động này.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động giám sát và phản biện trong nhiệm kỳ tới, với kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm tham gia vào hoạt động giám sát của HĐND cũng như của MTTQ, tác giả bài viết xin được trao đổi một số vấn đề sau:

Một là, cần có nhận thức đúng về hoạt động giám sát. Chúng ta biết, hoạt động giám sát hiện nay được thực hiện bởi ba cơ quan trong hệ thống chính trị: giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp - là giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước (giám sát mang tính quyền lực); giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội - là giám sát của nhân dân, đại diện cho nhân dân thực hiện giám sát (giám sát mang tính nhân dân); giám sát trong Đảng - giám sát trong nội bộ tổ chức Đảng.

Dù giám sát của cơ quan nào, dù mang tính chất gì thì giám sát đều nhằm mục tiêu là phát hiện và kiến nghị, phát hiện vấn đề đang đi chệch hướng, thực hiện chưa đúng, hoặc không đúng để kiến nghị yêu cầu thực hiện cho đúng. Chứ giám sát không nhằm mục đich là tìm ra sai phạm và đề nghị xử lý, tuy nhiên, trong quá trình giám sát, nếu phát hiện những vi phạm nghiêm trọng, hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì có thể kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Điều mà giám sát thường "bỏ quên" là thiếu hoặc không kiểm tra sau giám sát, xem các đối tượng giám sát có thực hiện, thực hiện đầy đủ kiến nghị mà giám sát đã đưa ra hay không, chính sự "bỏ quên" này dẫn đến giám sát kém hiệu lực hoặc gọi là giám sát nửa vời.

Vấn đề nữa về nhận thức là, chọn vấn đề giám sát. Chọn vấn đề giám sát không nhất thiết phải là vấn đề "to tát, xứng tầm", mà quan trọng là phát hiện kịp thời những vấn đề còn đang trong "thời kỳ có dấu hiệu", nếu không được cảnh báo, ngăn chặn kịp thời thì nó sẽ (hoặc có thể) xảy ra vấn đề lớn. Cũng như những xung đột trong nhân dân hay giữa người dân với chính quyền, những vấn đề bức xúc của nhân dân, những bất cập trong chính sách... nếu được phát hiện sớm và kịp thời xử lý sẽ hạn chế được những điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Ý nghĩa của giám sát chính là ở chỗ đó: "Phát hiện kip thời - kiến nghị xử lý dứt điểm".

Như vậy, việc chọn vấn đề (chủ đề) giám sát là yếu tố quan trọng góp phần cho hiệu quả, hiệu lực giám sát được nâng lên, mang lại ý nghĩa lớn.

Hai là, người làm giám sát (chủ thể giám sát) cần tích lũy kinh nghiệm và có kỹ năng. Xin nói một chút về kỹ năng, chẳng ai sinh ra mà có kỹ năng ngay được, chẳng có người nào làm một việc mới mà có kỹ năng ngay về việc đó được. Kỹ năng của mỗi người đều phải qua rèn luyện, tích lũy trên nền tảng kiến thức của mỗi người.

Một số kinh nghiệm trong hoạt động giám sát:

- Chọn vấn đề để tổ chức giám sát. Như đã phân tích ở phần trên, chọn vấn đề giám sát phải căn cứ vào các yếu tố sau: căn cứ đề xuất của các Ủy viên Ủy ban MTTQ; qua kết quả giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo; qua hoạt động tiếp công dân; qua phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vấn đề được chọn giám sát phải đáp ứng các yêu cầu: mang tính thời sự (kịp thời), là những vấn đề bức xúc của nhân dân ở địa phương và được nhiều người quan tâm (liên quan đến quyền, lợi ích của người dân).

Vấn đề giám sát không phải là cố định, mà có thể thay đổi, bổ sung khi phát hiện những vấn đề mới cần tổ chức giám sát ngay, đảm bảo sự ngăn ngừa kịp thời.

- Nắm vững các quy định của pháp luật, nghị quyết HĐND cùng cấp liên quan đến nội dung giám sát; nắm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng giám sát.

- Thu thập nhiều thông tin, thông tin có độ tin cậy cao liên quan đến vấn đề, nội dung giám sát; thông tin liên quan đến đối tượng giám sát. Nếu thiếu, ít thông tin thì "người giám sát" rất khó so sánh, đánh giá hoạt động của đối tượng giám sát.

- Thực hiện giám sát theo một quy trình thống nhất (trình tự các bước):

Bước 1: Xây dựng kế hoạch giám sát: chọn những vấn đề mà Nhân dân quan tâm, bức xúc và xác định các hình thức giám sát phù hợp để xây dựng kế hoạch giám sát. Kế hoạch giám sát phải xác định nội dung, hình thức, thời gian, chủ thể tiến hành, đối tượng được giám sát. Kế hoạch giám sát được xây dựng và ban hành cuối năm trước, trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cùng cấp để phối hợp và tránh sự trùng lắp. Kế hoạch giám sát có thể được điều chỉnh, bổ sung về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian thực hiện phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế hoặc khi có vấn đề phát sinh đột xuất và trên cơ sở trao đổi, thống nhất với các bên.

Bước 2: Thành lập đoàn giám sát: căn cứ vào chủ đề đã được chọn trong kế hoạch giám sát để quyết định thành lập đoàn giám sát, có trưởng đoàn, phó trưởng đoàn là đại diện Ban Thường trực; các thành viên khác là các vị ủy viên Ủy ban MTTQ (những người có kinh nghiệm), một số chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan đến chủ đề giám sát. Đoàn giám sát không nên quá đông, nếu vấn đề giám sát rộng, đối tượng giám sát nhiều, có thể chia đoàn giám sát thành 2 đến 3 tổ để thực hiện giám sát trực tiếp; cần có một tổ chuyên viên giúp việc đoàn giám sát (1 đến 2 chuyên viên).

Bước 3: Thông báo kế hoạch giám sát và gửi đề cương yêu cầu cơ quan, đơn vị được giám sát xây dựng báo cáo. Đề cương yêu cầu báo cáo cần bám sát chủ đề chọn giám sát, đưa ra những yêu cầu cụ thể để đối tượng được giám sát báo cáo, quy định thời gian gửi báo cáo về đoàn giám sát. Trong thời gian "chờ" các đơn vị gửi báo cáo, đoàn giám sát (bộ phận giúp việc đoàn) nên hệ thống hóa các văn bản pháp luật liên quan đến chủ đề giám sát (làm tài liệu phục vụ đoàn giám sát).

Bước 4. Xem xét báo cáo (giám sát qua báo cáo): Các đối tượng giám sát gửi báo cáo về đoàn giám sát (đoàn sao in gửi các thành viên). Thành viên đoàn giám sát nghiên cứu báo cáo của các đơn vị, đề xuất những vấn đề cần giải trình làm rõ thêm. Trong bước này, có thể thu thập thêm thông tin bằng phiếu khảo sát hoặc hỏi ý kiến trực tiếp người dân.

Bước 5: Giám sát trực tiếp (làm việc trực tiếp với đối tượng giám sát) để làm rõ những vấn đề các thành viên trong đoàn giám sát quan tâm; (lập kế hoạch làm việc, thông báo chương trình và thành phần đoàn giám sát trước ngày đoàn giám sát làm việc với cơ quan, đơn vị).

Bước 6: Xây dựng báo cáo giám sát: báo cáo giám sát được viết theo các nội dung của đề cương đã gửi các đơn vị yêu cầu báo cáo. Yêu cầu của báo cáo kết quả giám sát: đánh giá trung thực, khách quan; kết luận ngắn gọn, dễ hiểu, chỉ rõ nguyên nhân những hạn chế, yếu kém; kiến nghị trực tiếp, khả thi (có thể kiến nghị chuyển cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra nếu nội dung nào thấy cần thiết).

Bước 7: Theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát. Đây là bước rất quan trọng, nêu chỉ dừng ở kết luận và kiến nghị mà không theo dõi đối tượng thực hiện kiến nghị thì chỉ là giám sát “nửa vời", giám sát sẽ chỉ là hình thức, không đạt hiệu quả.

Lương Anh Tế. Ủy viên Ủy ban MTTQ, Chủ nhiệm HĐTV về KT-XH

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Hải Dương giám sát các đại biểu dân cử(26/04/2024)
na Tăng cường kiểm tra, giám sát sau tiếp xúc đối thoại(20/04/2024)
na Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương sẽ tiếp xúc cử tri 6 huyện trong 3 ngày(20/04/2024)
na Họp đoàn giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của đại biểu dân cử(16/04/2024)
na Hải Dương: Tiếp tục đưa phong trào thi đua "Dân vận khéo" thấm sâu và lan tỏa trong đời sống nhân dân(05/04/2024)
Các tin cũ hơn
na Bế mạc Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI(11/07/2019)
na Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI: Kỳ họp không giấy đầu tiên(09/07/2019)
na Ủy ban MTTQ tỉnh báo cáo tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh(09/07/2019)
na Bế mạc Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI(02/07/2019)
na Khai mạc Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI(01/07/2019)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín