Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
9,245,251
Vận động bầu cử - Quyền của mỗi ứng cử viên
( Cập nhật:29/4/2021 06:45:11)

Bài hai: Xây dựng hình ảnh trước công chúng để "thu hút" cử tri

Mỗi người, bất kỳ ở vị trí nào cũng đều muốn có một hình ảnh đẹp trước tập thể/ công chúng. Hình ảnh là tổng thể về hình thức: gương mặt, tác phong, trang phục, đầu tóc, đi đứng,… và nội dung: lời ăn, tiếng nói, cách biểu đạt, truyền đạt, nêu ý kiến, trình bày nhận thức, quan điểm, trước công chúng/cử tri. Xây dựng hình ảnh là một quá trình, cần sự rèn luyện và tập sự.

 

Ảnh minh họa: Hình ảnh đầy tính nhân văn trong mùa lũ lụt ở miền Trung năm 2020

Trong quá trình vận động bầu cử, mỗi ứng cử viên sẽ được xuất hiện trước công chúng/cử tri thông qua tiếp xúc cử tri hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, càng cần có một hình ảnh "đẹp hơn" để chiếm được tình cảm, lòng tin nơi cử tri. Hình ảnh của người đại biểu tương lai có ảnh hưởng rất lớn đến sự tín nhiệm của cử tri, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ phiều bầu mà cử tri dành cho mỗi ứng cử viên. Vì thế, ứng cử viên cần chú ý xây dựng hình ảnh của mình trước và trong khi thực hiện vận động bầu cử, đồng thời giữ được hình ảnh "đẹp" mãi trong lòng cử tri.

Hình ảnh có thể mang lại dấu ấn hoặc tích cực, tiêu cực, hoặc sự thờ ơ của cử tri đối với ứng cử viên. Hình ảnh "đẹp" sẽ mang dấu ấn tích cực, mang lại cảm nhận, ý nghĩ tốt ngay từ đầu để rồi cử tri đặt niềm tin, hy vọng và sẽ xác định bỏ phiếu cho ứng cử viên. Ngược lại, hình ảnh mang dấu ấn tiêu cực sẽ khó nhận được sự ủng hộ của cử tri.

Trong phạm vi thời gian hạn hẹp, chỉ từ khi ứng cử viên được lập danh sách chính thức đến trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, tức là chỉ khoảng 25 đến 30 ngày. Trừ số ít ứng cử viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà cử tri đã biết, còn đa số ứng cử viên chỉ có cơ hội xuất hiện trước cử tri thông qua một số cuộc tiếp xúc với số lượng cử tri hạn chế, chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số của tri tại khu vực ứng cử; hoặc xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng qua phỏng vấn trên truyền hình hoặc báo viết (nhưng không nhiều ứng cử viên được xuất hiện); xuất hiện gián tiếp bằng tấm ảnh in trên danh sách ứng cử viên được niêm yết tại các đơn vị bầu cử, các điểm bỏ phiếu. Vậy, trong khoảng thời gian, không gian hạn chế như vậy, làm sao để ứng cử viên có thể tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp trước cử tri?

Tạo dấu ấn tích cực qua hình thức bên ngoài

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước bầu cử, phần lớn cử tri tham dự là những người đại diện cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị theo cơ cấu, thành phần được cơ quan chức năng mời và hầu hết là những cử tri "khó tính", hay xét nét, đánh giá; nhưng đây lại là những cử tri có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi ý kiến của họ về các ứng cử viên đến các cử tri khác. Vì vậy, cần chú ý về hình thức khi đến dự các cuộc tiếp xúc cử tri cũng như khi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vậy, thế nào là một hình thức mang dấu ấn tích cực?

Một là, "chuẩn bị" một gương mặt sáng sủa, tươi vui, mắt luôn nhìn thẳng, chân thành, thân thiện; giữ đầu tóc gọn gàng, phù hợp với khuôn mặt, không nên quá cầu kỳ; ứng cử viên nữ có thể trang điểm điểm nhẹ nhàng phù hợp với khuôn mặt.

Hai là, có một tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, gần gũi, cởi mở, không quá suồng sã, cũng không quá lạnh nhạt. Những cái bắt tay, chào hỏi cũng cần chú ý "tay bắt, mặt mừng", không siết tay quá chặt, cũng không quá lỏng nẻo và chú ý dành cái nhìn thân thiện, vui mừng với người bắt tay, hỏi xã giao đôi câu, ví dụ: "bác/ anh/ chị khỏe chứ ạ"; "gia đình ta năm nay được mùa chứ ạ"; hoặc buông lời khen nh nhàng, phù hợp, ví dụ: "xã ta có quang cảnh đẹp quá nhỉ"; "quê mình có hệ thống giao thông nông thôn đẹp quá"...

Ba là, mang trang phục (quần, áo, dày dép, mũ, khăn,...) phù hợp, lịch sự, sạch sẽ, gọn gàng, không quá diêm dúa, hợp với hình thể của từng ứng viên và phù hợp với mức sống và phong tục, tập quán địa bàn ứng cử. Khi tiếp xúc với cử tri là cán bộ ở các cơ quan, tổ chức hay khu vực đô thị cần trang phục lịch sự, nhưng khi tiếp xúc với cử tri là người lao động hay ở khu vực nông thôn lại cần trang phục giản dị hơn.

Tham khảo - Câu chuyện từ một cuộc bầu cử*:

"Cuộc bầu cử năm ấy, tôi được phân công làm Trưởng ban Bầu cử của một khu vực bầu cử đại biểu Quốc hội, gồm 4 huyện của tỉnh. Có một ứng cử viên nữ do Trung ương phân bổ về ứng cử tại địa phương, Nhưng kết quả cuối cùng ứng cử viên đó không trúng cử (điều này hiếm khi xảy ra).

Sau khi kết thúc bầu cử, Ủy ban bầu cử tỉnh họp rút kinh nghiệm về việc tổ chức, chỉ đạo cuộc bầu cử. Trong đó, có việc phân tích, đánh giá về nguyên nhân dẫn đến ứng cử viên do Trung ương giới thiệu nhưng không trúng cử. Có một số nhận định về nguyên nhân được đưa ra có tính thuyết phục, nhưng có một nguyên nhân nhiều người không để ý tới, mà do tôi tìm hiểu và đưa ra.

Thật bất ngờ khi tôi hỏi ý kiến một số cử tri là giới nữ trong khu vực bầu cử. Câu hỏi đại ý là: vì sao cử tri là nữ giới chiếm trên 50% số cử tri mà một ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về là nữ, tuổi khá trẻ, học hàm, học vị cao, đang giữ vị trí lãnh đạo tương đối cao ở một Bộ mà không được sự tín nhiệm của cử tri, không trúng cử? Kết quả trả lời mà tôi thu được thì chiếm tới khoảng 70% những người trả lời đều đánh giá là hình ảnh ứng cử viên đại biểu Quốc hội không phù hợp. Tôi tranh luận, không phù hợp ở điểm nào? và hầu hết được trả lời là: nhìn qua ảnh của ứng cử viên (trong danh sách ứng cử viên được niêm yết ở các điểm bỏ phiếu), tuy trẻ, đẹp, nhưng lại có mái tóc không phù hợp với cử tri là nông dân (mặc dù vị ứng cử viên đã "làm" bộ tóc được uốn, sấy rất cầu kỳ, nhưng không phù hợp với khu vực nông thôn).

Lúc đó, tôi chợt nhớ lại câu nói trong dân gian: "Y phục xứng kỳ đức", là ý muốn nói đến hình ảnh của một người (trang phục, đầu tóc,...) phải phù hợp với hoàn cảnh, công việc, đối tượng tiếp xúc. Và đúng như vậy, vị ứng cử viên đó hội đủ các điều kiện, thậm chí chiếm ưu thế so với các ứng cử viên khác cùng đơn vị bầu cử, nhưng chỉ vì sự không phù hợp ở mái tóc với đối tượng là phụ nữ khu vực nông thôn (đơn vị bầu cử có 4 huyện đều là khu vực nông thôn) là một trong những nguyên nhân dẫn đến không trúng cử".

* Đây là câu chuyện có thật, đã đăng trên Website của Trung tâm bồi dưỡng Đại biểu dân cử năm 2014, với nhan đề: "Y phục xứng kỳ đức".

Tạo dấu ấn đẹp thể hiện qua nội dung "bên trong"

Nội dung thể hiện qua tiếng nói, cách nói, truyền đạt, nêu ý kiến, trình bày nhận thức, quan điểm,... của ứng cử viên, có tác động rất mạnh đến cử tri. Do đó, khi tiếp xúc vận động bầu cử các ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động của mình, cần chú ý:

- Chuẩn bị thật kỹ trước khi tiếp xúc. Những nội dung chính, quan trọng nhất mà mình trình bày thông qua một bản đề cương (để nói tóm tắt), không nên đọc một bài đã chuẩn bị sẵn; đồng thời dự kiến những vấn đề khi cử tri có thể hỏi để có ý kiến trao đổi. Nếu không chuẩn bị tốt, nhất là những người mới hoặc ít tiếp xúc với công chúng dễ "mất điểm" trước cử tri.

- Thực hiện phương châm "biết thì nói, không biết dựa cột mà nghe", chỉ nói những vấn đề mà mình biết, hiểu sâu, có kiến thức, kinh nghiệm. Trong tiếp xúc cử tri hãy chú ý lắng nghe và trao đổi, giải thích những điều cần thiết và mình nắm vững, chớ có nói, trao đổi những vấn đề mình còn mơ hồ, thiếu thông tin hoặc không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, nhớ đừng "múa dìu qua mắt thợ". Người có kinh nghiệm, có thể khéo léo "lái" vần đề mình không nắm rõ sang một chủ đề khác mà vẫn thuyết phục được người nghe.

- Có phương pháp trình bày khoa học, thuyết phục. Các vấn đề trình bày cần rõ ràng, ngắn gọn, theo trình tự hợp lý; sử dụng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu, phù hợp với địa phương nơi ứng cử. Nếu là vùng dân tộc thiểu số mà hiểu, nói thông thạo tiếng địa phương thì nên trình bày bằng tiếng nói của họ. Âm lượng vừa phải, rõ tiếng, diễn đạt truyền cảm, thu hút; khắc phục nói ngọng, nói nhịu,... Nếu kết hợp được "ngôn ngữ cơ thể" (ánh mắt, nhún vai, khua tay,...) trong quá trình diễn đạt thì càng thu hút người nghe.

Ngoài những nội dung trao đổi trên đây, mỗi ứng cử viên có thể sử dụng các hình thức khác để quảng bá hình ảnh của mình trước công chúng, như: sử dụng Website riêng hay thông qua mạng xã hội để trao đối, thể hiện quan điểm, ý kiến của mình về những vấn để chính trị, xã hội cử tri quan tâm. Cũng có thể thông qua hoạt động tại cơ quan, tổ chức nơi ứng cử viên công tác, nơi sinh sống để xây dựng hình ảnh tốt cho mình, từ đó sẽ lan tỏa đến các cử tri khác.

Lương Anh Tế

(còn tiếp - bài ba)

 

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Mốc son lịch sử chói lọi soi sáng tương lai(30/04/2024)
na Hải Dương có 207 đơn vị hành chính cấp xã(28/04/2024)
na Nhớ nguồn cội, nghĩ đạo làm người(18/04/2024)
na Thể lệ Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023 - 2024(14/04/2024)
na Biểu trưng và tranh cổ động Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X(10/04/2024)
Các tin cũ hơn
na Vận động bầu cử - Quyền của mỗi ứng cử viên(28/04/2021)
na Giữ vững "phòng tuyến", không để dịch quay lại(22/04/2021)
na Các khiếu nại, tố cáo về người ứng cử được thực hiện thế nào?(21/04/2021)
na Số người ứng cử trong danh sách chính thức phải đáp ứng yêu cầu nào?(19/04/2021)
na Dùng khẩu hiệu nào để tuyên truyền bầu cử?(16/04/2021)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín