Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
CHUYÊN MỤC CHÍNH
Số lượt truy cập
9,171,263
Vận dụng tư tưởng Cách mạng Công nghiệp 4.0, đẩy mạnh phong trào xây dựng các mô hình học tập (bài 1)
( Cập nhật:14/12/2018 08:35:58)

Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 là gì?

 

Hiểu thế nào về cuộc CMCN 4.0

Cuộc CMCN lần thứ 4 hay Cách mạng 4.0, là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Bản chất của CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,... đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS). Cuộc CMCN lần thứ 4 không chỉ là về các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử.

Những đặc điểm cơ bản của các cuộc CMCN trong lịch sử

Cuộc CMCN lần thứ nhất nổ ra vào khoảng năm 1784. Đặc trưng của cuộc CMCN lần thứ nhất này là việc sử dụng năng lượng nước, hơi nước và cơ giới hóa sản xuất. Cuộc CMCN này được đánh dấu bởi dấu mốc quan trọng là việc James Watt phát minh ra động cơ hơi nước năm 1784. Phát minh vĩ đại này đã châm ngòi cho sự bùng nổ của công nghiệp thế kỷ 19. Nó đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại – kỷ nguyên sản xuất cơ khí, cơ giới hóa. Nó đã thay thế hệ thống kỹ thuật cũ có tính truyền thống của thời đại nông nghiệp (kéo dài 17 thế kỷ), chủ yếu dựa vào gỗ, sức mạnh cơ bắp (lao động thủ công), sức nước, sức gió và sức kéo động vật bằng một hệ thống kỹ thuật mới với nguồn động lực là máy hơi nước và nguồn nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng mới là sắt và than đá. Đây là giai đoạn quá độ từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền sản xuất cơ giới trên cơ sở khoa học. Tiền đề kinh tế chính của bước quá độ này là sự chiến thắng của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, còn tiền đề khoa học là việc tạo ra nền khoa học mới, có tính thực nghiệm nhờ cuộc cách mạng trong khoa học vào thế kỷ XVII.

Cuộc CMCN lần thứ 2 ra đời từ khoảng năm 1870 đến khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra. Đặc trưng của cuộc CMCN lần này là việc sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn. Cuộc CMCN lần thứ 2 đã tạo nên những tiền đề mới và cơ sở vững chắc để phát triển nền công nghiệp ở mức cao hơn nữa. Yếu tố quyết định của cuộc cách mạng này là chuyển sang sản xuất trên cơ sở điện – cơ khí và sang giai đoạn tự động hóa cục bộ trong sản xuất, tạo ra các ngành mới trên cơ sở khoa học thuần túy, biến khoa học thành một ngành lao động đặc biệt. Cuộc cách mạng này đã mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt, được thúc đẩy bởi sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp. Cuộc cách mạng này tạo ra những tiền đề thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở quy mô thế giới.

Cuộc CMCN lần thứ 3 xuất hiện vào khoảng từ 1969, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng điện tử và CNTT để tự động hóa sản xuất. Cuộc cách mạng này thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990). Cuộc cách mạng này đã tạo điều kiện tiết kiệm các tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực xã hội, cho phép chi phí tương đối ít hơn các phương tiện sản xuất để tạo ra cùng một khối lượng hàng hóa tiêu dùng.

Phạm vi của Cách mạng 4.0: Theo Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng: "CMCN đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc CMCN lần thứ 4 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".

Nói một cách ngắn gọn, theo các chuyên gia Cách mạng 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong Cách mạng 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới và công nghệ nano.

Lợi ích của cuộc cách mạng 4.0: Nếu Cách mạng 4.0 diễn ra một cách nhanh chóng theo hướng tự động hóa, robot hóa các công đoạn trong sản xuất thì người lao động sẽ được nghỉ ngơi nhiều hơn. Ví dụ: một dây chuyền sản xuất trước đây phải cần đến 50 lao động, nếu ứng dụng công nghệ số hóa, tự động và sử dụng robot thay nhân công thì chắc chắn chỉ cần 2 đến 3 người điều khiển dây chuyền là xong. Cạnh đó, thời gian trực tiếp làm việc sẽ được rút ngắn.

Tuy nhiên, mặt trái của Cách mạng 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp.

Thế giới đã từng trải qua 3 cuộc CMCN và nay là cách mạng lần thứ 4, chiếu theo cội nguồn lịch sử, mỗi cuộc cách mạng đều góp phần tăng năng suất lao động, làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, tiện ích cho con người. Và bản thân người lao động phải tự thích nghi với hoàn cảnh mới. Nhìn lại 3 cuộc CMCN đã qua, chưa thấy cuộc cách mạng nào làm xáo trộn thị trường lao động theo hướng cực đoan, rằng lao động sẽ bị thất nghiệp nhiều. Bởi thế, với làn sóng của cuộc Cách mạng 4.0 chúng ta có quyền tin tưởng thị trường lao động sẽ được cơ cấu lại, chứ không đến mức bi quan rằng hàng loạt lao động chân tay, lao động văn phòng bị “thất nghiệp”.

Thời cơ và thách thức của Việt Nam trong cuộc Cách mạng 4.0

Với những gì đề cập ở trên về những lĩnh vực sẽ bị thay đổi từ Cách mạng 4.0, có thể khẳng định 5 năm tới, hệ thống máy móc, công nghệ mà các doanh nghiệp đã đầu tư (nếu chưa hết niên hạn sử dụng) vẫn hoạt động bình thường. Những doanh nghiệp mới, những công ty mới chắc chắn sẽ nhập khẩu những công nghệ tiên tiến có hàm lượng chất xám (tự động hóa) rất cao. Đi kèm đó, hệ thống robot nhập khẩu (cũng có thể sản xuất trong nước) sẽ được sử dụng rộng rãi trong các công trình liên quan đến hầm lò, bốc dỡ bến cảng, sân bay. Tỷ lệ các thiết bị công nghệ trong kỷ nguyên Cách mạng 4.0 theo dự đoán của các nhà khoa học trong vòng 5 đến10 năm tới ở Việt Nam vào khoảng 30%.

Để Cách mạng 4.0 thành công trong lĩnh vực này, đòi hỏi tính sáng tạo của các nhà khoa học, các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Bởi thế, xét trong bối cảnh hiện nay. Việc “đáp ứng” dòng chảy Cách mạng 4.0 là cả một thời gian dài chứ không phải một sớm, một chiều. Chúng ta chuẩn bị tâm thế để đáp ứng thời kỳ chuyển động Công nghiệp lần thứ 4 để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có hàm lượng chất xám cao để cạnh tranh trên thương trường. Đồng thời, nâng cao hơn năng suất lao động. Chính vì thế, đối với người lao động không nên quá lo lắng về câu chuyện mất việc làm trong thời gian tới. Tuy nhiên, “nước xa không cứu được lửa gần”- để chuẩn bị mọi tâm thế trước làn sóng Cách mạng 4.0 mỗi người lao động cần tiếp tục nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cũng như ngoại ngữ, CNTT nhằm đáp ứng trong sự thay đổi về công nghệ, cơ chế quản trị mà thôi.

Theo ông Klaus Schwab, tốc độ đột phá của CMCN 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Khi so sánh với các cuộc CMCN trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và cả chiều rộng lẫn chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Cách mạng 4.0 đã đặt ra những thách thức và rủi ro theo các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với những lao động văn phòng, trí thức, lao động kỹ thuật. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi. Sau đó, những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ CMCN 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống. Hệ lụy của nó sẽ là những bất ổn về chính trị. Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khoẻ. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. 

Chúng ta biết rằng một xã hội có học vấn chắc chắn sẽ là một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng để xây dựng đời sống hạnh phúc của con người. Chính nó vận chuyển sự tiến bộ kinh tế và chính sự tiến bộ kinh tế mang lại sự phồn vinh cho nhân quần xã hội. Bởi thế người ta mới nói: “Xã hội tồn tại nhờ niềm tin và phát triển nhờ khoa học”. Quê hương, đất nước Việt Nam muốn hòa nhập được vào dòng chảy của các nước phát triển thì phải sớm tiếp cận được những thành tựu của cuộc CMCN 4.0.

TS. Phạm Trung Thanh

(còn nữa)

 

[Ý kiến của bạn]
Các tin mới hơn
na Nhớ nguồn cội, nghĩ đạo làm người(18/04/2024)
na Thể lệ Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023 - 2024(14/04/2024)
na Biểu trưng và tranh cổ động Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X(10/04/2024)
na Cuộc thi viết “Bác Hồ với Hải Dương, Hải Dương với Bác Hồ”: Không hạn chế đối tượng, số lượng tác phẩm tham gia (10/04/2024)
na Hải Dương rút kinh nghiệm tổ chức Đại hội điểm MTTQ cấp huyện(09/04/2024)
Các tin cũ hơn
na Suy nghĩ về dân chủ hóa trong nhà trường (08/12/2018)
na Hoàn thành tổ chức Đại hội MTTQ điểm cấp cơ sở (07/12/2018)
na Triển khai Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019(02/12/2018)
na Nghĩ về đạo làm thầy(20/11/2018)
na Vinh dự đi liền với trách nhiệm(20/11/2018)
TIN ẢNH
VIDEO
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín